(HTV) - Giá gạo trong nước tăng phi mã từng ngày, các doanh nghiệp thu mua chạy đua không kịp nguồn dự trữ trong khi lúa vụ Đông Xuân đã thu hoạch gần hết, khiến thị trường xuất khẩu gạo không chỉ nóng lên về giá, nguồn cung mà còn về an ninh lương thực.
Đây là vấn đề mà các đại biểu thảo luận tại Hội nghị triển khai công tác điều hành xuất khẩu gạo 6 tháng cuối năm vừa diễn ra sáng qua 4/8 tại Cần Thơ.
Toàn cảnh Hội nghị
Theo ước tính của cơ quan liên Bộ, đến hết tháng 7, Việt Nam ước xuất khẩu 4,83 triệu tấn gạo, trị giá 2,58 tỷ USD, tăng 18,7% về lượng và tăng 29,6% về trị giá so với cùng kỳ. Cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu đi đúng định hướng, gia tăng giá trị cho hạt gạo với các chủng loại như: Gạo thơm, gạo nếp, gạo trắng cao cấp,...
Cục trồng trọt cho biết: Riêng ĐBSCL, tính từ ngày 1/8/2023, hiện còn 9,2 triệu tấn lúa chưa thu hoạch. Dự kiến năng suất sẽ đảm bảo xuất khẩu và dự trữ lương thực trong nước. Vấn đề đặt ra lúc này chính là việc doanh nghiệp phải đảm bảo được quy luật thị trường, không chạy theo hợp đồng gây lũng đoạn thị trường.
Với 9,2 triệu tấn lúa chưa thu hoạch dự kiến sẽ đảm bảo xuất khẩu và dự trữ lương thực trong nước
Tại Hội nghị, Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết nhiều doanh nghiệp lớn đang gặp tình trạng giá lúa trong nước tăng mạnh từng ngày, phần lớn doanh nghiệp chịu lỗ để đảm bảo uy tín hợp đồng xuất khẩu. Ngoài ra, vụ Đông Xuân năm nay do ảnh hưởng của hiện tượng thời tiết cực đoan El Nino, sản lượng dự kiến sẽ giảm.
Trong bối cảnh đơn hàng gạo đổ về Việt Nam ngày càng nhiều, Bộ Công Thương yêu cầu các tỉnh thành, các ngành và doanh nghiệp cùng ngồi lại để rà soát phương án tổ chức sản xuất, đàm phán giao dịch nâng cao giá trị xuất khẩu chứ không chạy theo số lượng.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9