Bộ Tư pháp hoàn thiện khung pháp lý về quản lý, xử lý tiền ảo

Sỹ Thành 16/4/2018, 08:11

Văn phòng Chính phủ đã ban hành công văn số 2768/VPCP-KTTH truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ về việc hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý tiền ảo.

Trước đó, vào đầu tháng 1, Văn phòng Chính phủ cũng phát đi chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để quản lý tiền ảo theo chỉ đạo tại Quyết định số 1255/QĐ-TTG ngày 21/8/2017, trình lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/1.


Tới ngày 30/1, Bộ Tư pháp đã có văn bản số 35 trả lời về việc xây dựng khuôn khổ pháp lý để quản lý tiền ảo tại Việt Nam, thể hiện được thực trạng sử dụng và kinh nghiệm quản lý tiền ảo hiện nay của một số quốc gia trên thế giới và quy định pháp luật Việt Nam hiện nay liên quan tới tiền ảo.

Về khuôn khổ pháp lý của tiền ảo, văn bản trên của Bộ Tư pháp cho rằng: “Luật NHNN Việt Nam, Luật các Tổ chức tín dụng Việt Nam năm 2010… tuy không có quy định về tiền ảo, nhưng cũng không có quy định cấm đối với các giao dịch sử dụng tiền ảo”.

Bộ Tư pháp đề nghị tiếp tục nghiên cứu để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quản lý, xử lý tiền ảo theo hướng cấm (tuyệt đối hoặc tương đối) hay dưới dạng hàng hoá, dịch vụ hoặc dưới dạng tương tự như phương tiện thanh toán… để phù hợp hơn với xu thế của thế giới cũng như phù hợp với đặc điểm, tình hình Việt Nam.

Sau đó, trong tháng 3, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông và NHNN đã gửi các văn bản liên quan góp ý vào công văn số 35 của Bộ Tư pháp.

Theo văn bản góp ý của NHNN, liên quan tới hành vi sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác như phương tiện thanh toán tại Việt Nam, pháp luật hiện hành quy định: Khoản 1, Điều 17 Luật NHNNVN năm 2010 quy định: “1. NHNN là cơ quan duy nhất phát hành tiền giấy, tiền kim loại của nước CHXHCNVN; 2. Tiền giấy, tiền kim loại do NHNN phát hành là phương tiện thanh toán hợp pháp trên lãnh thổ nước CHXHCNVN”.

Khoản 6, 7 Điều 4 Nghị định 101/2012/NĐ-CP ngày 12/11/2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt quy định phương tiện thanh toán như sau: “6. Phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán bao gồm: Séc, lệnh chi, uỷ nhiệm chi, nhờ thu, uỷ nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của NHNN; 7. Phương tiện thanh toán không hợp pháp là các phương tiện không thuộc quy định tại khoản 6 Điều này”.

Cũng theo NHNN, Khoản 6 Điều 6 Nghị định số 101 nói trên quy định về hành vi bị cấm bao gồm: “6. Phát hành, cung ứng và sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp”.

Như vậy, NHNN cho rằng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là tiền tệ và phương thức thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam.

Trong khi đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết sẽ nghiên cứu các quy định của Luật Công nghệ thông tin để tiến hành sửa đổi, bổ sung nhằm xây dựng chính sách đồng bộ, thống nhất, phù hợp với các quy định của luật pháp liên quan tới quản lý, sử dụng tiền ảo; thực hiện thông tin-tuyên truyền để người dân và doanh nghiệp nhận thức rõ hơn về các hệ luỵ khi sử dụng, giao dịch tiền ảo nhằm hạn chế các rủi ro.

Từ báo cáo của các bộ, ngành, ngày ngày 27/3, Văn phòng Chính phủ đã ban hành công văn số 2768/VPCP-KTTH truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ về việc hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý tiền ảo gửi các Bộ nói trên và Bộ Công an.

Theo đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tiếp tục giao Bộ Tư pháp nghiên cứu, hoàn thiện khung pháp lý phù hợp, đồng bộ, thống nhất về quản lý, xử lý đối với tiền ảo, tài sản ảo, tiền điện tử trên cơ sở góp ý của các bộ: Tài chính, Thông tin và  Truyền thông và NHNN về nội dung này.

Đồng thời, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan khẩn trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ đã được giao tại Quyết định số 1255/QĐ-TTg của Thủ tướng ngày 21/8/2017 phê duyệt Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tải sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo.

Hiện tại, trên thị trường có rất nhiều loại tiền ảo nhưng phát triển mạnh nhất gần đây là Bitcoin. Tuy chưa được pháp luật công nhận, tiền ảo này vẫn được các cá nhân, tổ chức ở Việt Nam đầu cơ hoặc “đào”.

Một số lượng lớn máy “đào” tiền ảo Bitcoin đã được nhập về Việt Nam, trào lưu mua bán, giao dịch, đầu cơ tiền ảo cũng nở rộ. Trên thị trường, nhiều biến tướng của loại tiền này cũng xuất hiện, nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của những người thiếu hiểu biết nhưng muốn nhanh chóng làm giàu.
Ý kiến của bạn: