Lo sợ El Nino khiến nhiều quốc gia tăng mua gạo dự trữ. Giá gạo Việt vọt tăng, đẩy kim ngạch xuất khẩu gạo lên mức 2,3 tỷ USD. Nước ta cũng trúng mùa lớn, năng suất gạo lập kỷ lục.
Nhiều nước tăng mua gạo Việt
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 2,3 tỷ USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, gạo và rau quả là hai mặt hàng xuất khẩu ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất của ngành nông nghiệp trong nửa đầu năm nay.
Giá gạo xuất khẩu đang trong xu hướng tăng mạnh, lên mức cao nhất trong vòng hai năm qua.
Tính đến ngày 30/5, giá gạo 5% tấm của Việt Nam vẫn neo ở mức cao 508 USD/tấn. Mức giá này bằng với giá gạo cùng loại của Thái Lan, cao hơn 35 USD/tấn so với giá gạo của Ấn Độ và cao hơn 20 USD/tấn so với giá gạo Pakistan.
Tương tự, giá gạo 25% tấm của nước ta được giao dịch ở mức 488 USD/tấn, cao hơn 10 USD/tấn so với gạo cùng loại của Thái Lan, cao hơn giá gạo Ấn Độ và Pakistan lần lượt là 35 USD/tấn và 30 USD/tấn.
Không chỉ bán được với giá cao, xuất khẩu gạo sang hầu hết các thị trường đều ghi nhận mức tăng trưởng tốt, thậm chí đột biến ở những thị trường mới.
Giá gạo Việt xuất khẩu tăng vọt và neo ở mức cao
Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm nay, Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam. Xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt 772 triệu USD, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm 2022. Gạo Việt cũng chiếm tới 89,6% tổng giá trị nhập khẩu gạo của quốc gia này trong 5 tháng đầu năm 2023.
Xuất sang Trung Quốc sau một thời gian dài sụt giảm nay cũng bật tăng mạnh. Tính đến hết tháng 5/2023, quốc gia này chi 364,2 triệu USD mua gạo Việt Nam, tăng 79,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài hai khách hàng trên, xuất khẩu sang thị trường Indonesia ghi nhận mức tăng trưởng đột biến 1.520% so với cùng kỳ năm 2022. Với kim ngạch đạt 181,4 triệu USD, Indonesia vươn lên thành khách hàng lớn thứ ba của gạo Việt, chỉ đứng sau Philippines và Trung Quốc.
Kim ngạch xuất khẩu gạo sang Chile và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn khá khiêm tốn, song trong 5 tháng đầu năm xuất khẩu sang hai thị trường này tăng vọt 2.930% và 12.843% so với cùng kỳ năm 2022.
Là doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở phân khúc cao cấp, ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An - tiết lộ, riêng thị trường Hàn Quốc, từ đầu năm đến nay doanh nghiệp đã trúng thầu liên tiếp 3 hợp đồng xuất khẩu gạo lớn. Trong đó, hợp đồng mới nhất là giữa tháng 6, với gần 17.000 tấn gạo xuất sang Hàn Quốc, giá 674 USD/tấn.
Theo ông Bình, gạo năm nay có giá tốt. Trung An đều ký được các đơn hàng giá từ gần 600-1.500 USD/tấn. Đặc biệt, năm 2023 trong phân khúc gạo thơm ST xuất khẩu sang EU, doanh nghiệp đã ký kết xuất khẩu với giá 1.250 USD/tấn.
Các doanh nghiệp khác cũng cho biết, đơn hàng tăng mạnh. Họ đang tích cực thu mua lúa gạo để trả hàng cho các nhà nhập khẩu theo hợp đồng đã ký.
Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, El Nino kéo theo những điều kiện thời tiết nóng và khô hơn sẽ khiến lượng dự trữ gạo của thế giới giảm 5%, xuống còn 173,5 triệu tấn trong niên vụ này. Thời tiết khắc nghiệt gây hậu quả nghiêm trọng đối với vựa lúa gạo châu Á. Đây cũng là một phần nguyên nhân khiến nhiều quốc gia tăng mua gạo của Việt Nam.
Diện tích giảm nhưng sản lượng lúa của nước ta lại có xu hướng tăng. Nguồn ảnh: Tâm An.
Trúng mùa, năng suất cao kỷ lục
Theo báo cáo về phát triển nông nghiệp 6 tháng đầu năm, năng suất bình quân đạt 67 tạ/ha, tăng 1,8 tạ/ha. Sản lượng lúa đã thu hoạch đạt 22,8 triệu tấn.
Chia sẻ thông tin về ngành hàng lúa gạo tại họp báo thường kỳ 6 tháng đầu năm diễn ra hôm qua (3/7), Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, cho biết, nhờ làm tốt công tác giống, áp dụng cơ giới hóa cùng trình độ thâm canh của nông dân nên năng suất lúa liên tục tăng, cao nhất khu vực Đông Nam Á.
Năng suất lúa bình quân tại đồng bằng sông Cửu Long có vụ đạt 7,21 tấn, thậm chí ở Bình Định đạt tới 8,1 tấn/ha - mức cao kỷ lục trong vòng 20 năm qua.
"Năm nay nhuận hai tháng 2, nhiều người dự báo lúa sẽ mất mùa. Thực tế cho thấy, năng suất lúa bình quân đạt 67 tạ/ha, tăng 1,8 tạ/ha", ông Tiến nhận xét. Không chỉ gạo, mọi thứ phụ phẩm từ nghề trồng lúa như rơm, vỏ trấu đều được sử dụng hết.
Năm 2022, nước ta xuất khẩu trên 7,1 triệu tấn gạo, thu xấp xỉ 3,5 tỷ USD. Các nước ASEAN đều bày tỏ sự quan tâm tới an ninh lương thực, nhu cầu mua tích trữ tăng cao. Do đó, ngoài khoảng 20 triệu tấn để tiêu thụ trong nước, năm nay xuất khẩu gạo chắc chắn đạt hơn 7 triệu tấn, thu về trên 4 tỷ USD, tăng mạnh so với năm ngoái, Thứ trưởng Tiến khẳng định.
Theo ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xu thế phát triển hiện nay là đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, chuyển dịch sang thương mại, dịch vụ. Do đó, lĩnh vực nông nghiệp đang chịu tác động mạnh, diện tích sản xuất dần bị thu hẹp. Đặc biệt, việc chuyển đổi từ trồng lúa sang các cây trồng khác có giá trị cao hơn diễn ra ở nhiều địa phương, diện tích lúa giảm dần.
Tuy nhiên, nhờ công tác nghiên cứu giống, có nhiều kinh nghiệm trong ứng phó với biến đổi khí hậu, chúng ta vẫn đảm bảo sản lượng lúa gạo cho tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu.
Từ bài học kinh nghiệm giai đoạn 2015-2020, Việt Nam đã xây dựng kế hoạch ứng phó biến đổi khí hậu, rà soát tình hình nguồn nước ở mỗi địa phương để có kế hoạch bố trí cơ cấu thời vụ, chọn giống phù hợp, điều tiết thủy lợi,... Từ đó đảm bảo ít bị thiệt hại nhất, thậm chí năng suất lúa vẫn tăng cao như hiện nay, ông Cường chia sẻ.
Nguồn: Báo Vietnamnet
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9