Lừa đảo “combo du lịch giá rẻ” là 1 trong số 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra phổ biến trên không gian mạng.
Dấu hiệu nhận diện
Theo Cục An toàn thông tin, với hình thức "combo du lịch giá rẻ", các đối tượng cho đăng tải bài viết quảng cáo bán tour du lịch, phòng khách sạn giá rẻ trên mạng Internet và mạng xã hội với nhiều tiện ích kèm theo, đề nghị nạn nhân chuyển tiền đặt cọc (từ 30 - 50% giá trị) để đặt cọc tour du lịch, phòng khách sạn, từ đó chiếm đoạt số tiền đặt cọc.
Đặt cọc tour du lịch, phòng khách sạn, từ đó chiếm đoạt số tiền đặt cọc
“Combo du lịch giá rẻ” là 1 trong số 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra phổ biến trên không gian mạng
Kẻ lừa đảo cũng có thể đăng bài viết quảng cáo dịch vụ làm visa (thị thực) du lịch nước ngoài, cam kết tỷ lệ thành công cao, hoàn trả 100% số tiền nếu không xin được visa. Sau khi nạn nhân chuyển khoản thanh toán chi phí hoặc một phần chi phí, các đối tượng sẽ để nạn nhân tự khai thông tin tờ khai, hoàn thiện hồ sơ,…Sau đó lấy lý do nạn nhân khai thông tin bị thiếu và không trả lại tiền.
Hoặc chúng có thể làm giả website/fanpage của công ty du lịch uy tín, làm giả ảnh chụp biên lai, hóa đơn thanh toán và đề nghị nạn nhân chuyển khoản thanh toán chi phí tour du lịch. Sau khi khách hàng chuyển khoản để thanh toán dịch vụ du lịch các đối tượng sẽ chặn liên lạc và xóa mọi dấu vết.
Thậm chí, làm giả/chiếm đoạt tài khoản của người dùng mạng xã hội, liên lạc với người thân trong danh sách bạn bè cho biết đang bị mắc kẹt khi du lịch tại nước ngoài và cần một khoản tiền ngay lập tức.
Các đối tượng cũng có thể mạo danh đại lý bán vé máy bay, tự tạo ra các website, trang mạng xã hội, với địa chỉ đường dẫn, thiết kế tương tự kênh của các hãng hoặc đại lý chính thức, sau đó quảng cáo với các mức giá rất hấp dẫn so với mặt bằng chung để thu hút khách hàng.
Nếu khách hàng liên hệ, các đối tượng sẽ đặt chỗ vé máy bay, gửi mã đặt chỗ để làm tin và yêu cầu khách hàng thanh toán. Sau khi nhận thanh toán, các đối tượng không xuất ra vé máy bay và ngắt liên lạc. Do mã đặt chỗ chưa được xuất ra vé máy bay, nên sẽ tự hủy sau một thời gian và khách hàng chỉ biết được việc này khi đến sân bay.
Biện pháp phòng tránh
Đồ họa: Lan Hương
Để tránh bị lừa đảo trước các thủ đoạn nêu trên, người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin khi lựa chọn các gói du lịch, nên lựa chọn dịch vụ đặt tour, đặt phòng, đặt vé máy bay của những công ty uy tín hoặc qua các App du lịch (ứng dụng du lịch).
Người dân có thể đề nghị phía đối tác cho xem giấy phép hoạt động kinh doanh, giấy tờ, chứng chỉ hành nghề,…, của công ty lữ hành, du lịch. Bên cạnh đó, cảnh giác khi nhận được lời mời chào mua gói du lịch với mức giá quá rẻ (rẻ hơn 30 - 50% so với giá chung của thị trường); đặc biệt thận trọng khi đơn vị du lịch yêu cầu chuyển tiền đặt cọc để giữ chỗ, nếu có thể nên thực hiện giao dịch thanh toán trực tiếp.
Người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin khi lựa chọn các gói du lịch
Đồng thời, chú ý các dấu hiệu nhận biết website giả mạo thông qua tên website và tên miền. Thông thường tên các website giả sẽ gần giống với tên các website thật nhưng sẽ có thêm hoặc thiếu một số ký tự. Tên miền giả thường sử dụng những đuôi lạ như .cc, .xyz, .tk,…
Đặc biệt, đối với các trang mạng xã hội (fanpage) hoạt động mua bán, quảng bá các gói du lịch, nhất là gói du lịch giá rẻ, vé máy bay giá rẻ, người dân nên chọn các trang mạng xã hội có dấu tích xanh (tài khoản đã đăng ký) hoặc chọn các trang mạng xã hội có uy tín mà mình biết rõ thông tin của người bán.
Xác nhận lại thông tin đặt phòng, đặt vé máy bay để kịp thời phát hiện dấu hiệu lừa đảo, trình báo cho cơ quan Công an nơi gần nhất để được hướng dẫn giải quyết.
Nửa đầu năm nay, Cục An toàn thông tin đã chỉ đạo, điều phối ngăn chặn 1.530 trang web/blog vi phạm pháp luật, trong đó có 559 trang lừa đảo trực tuyến. Qua đó, bảo vệ hơn 2.7 triệu người dân không truy cập vào các website lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật trên không gian mạng.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9