Tối 29/11/2020, đêm hội ngộ “Cảm xúc 30 năm” đã diễn ra với sự tham gia của đông đảo của nhân viên y tế, cán bộ chương trình, văn nghệ sĩ, khách tham quan. Chương trình đã mang đến những cảm xúc chân thật đến xót xa...
Những thông điệp ý nghĩa được bày biện đủ đầy trong không gian của đêm hội ngộ "Cảm xúc 30 năm"
Đêm hội ngộ “Cảm xúc 30 năm” là một trong những hoạt động chính của chiến dịch cùng tên, được tổ chức nhân ngày thế giới phòng chống AIDS (1/12) và hưởng ứng tháng hành đồng quốc gia phòng chống HIV/AIDS. Đến với đêm hội ngộ, khách tham quan được đắm chìm trong không gian triển lãm nghệ thuật sắp đặt với những kỷ vật, những công trình, tài liệu và cả những hình ảnh người sống với HIV trong suốt nhiều năm qua vươn lên, vượt qua để có được những điều tốt đẹp hôm nay.
Khách tham quan chăm chú đọc từng dòng chia sẻ của nhân vật gửi về cho chương trình
Không gian trưng bày ấn tượng, tác động mạnh mẽ đến thị giác với hơn 30 vật phẩm như: giấy xét nghiệm, bình sữa, ghế bố, sổ khám bệnh, cặp nhẫn, thẻ Bảo hiểm Y tế, bông gòn, chai thuỷ tinh, cái kéo... Hơn thế nữa, những câu chuyện ẩn sau các vật phẩm đã mang đến cảm xúc bồi hồi, khó tả cho khách tham quan. Là sự thương cảm cho những khó khăn mà những người có kháng thể HIV phải trải qua, là nỗi xót xa bởi những phận đời bé nhỏ bị bủa vây bởi sự kỳ thị của cộng đồng...
Đằng sau mỗi vật phẩm đều ẩn chứa một câu chuyện thật đến đau lòng, xót xa
Đạo diễn Thái Huỳnh cho biết: Có thể, một số vật phẩm sẽ khiến người xem hơi ghê sợ nhưng thực tế, câu chuyện bên trong còn khủng khiếp hơn những gì chúng ta nhìn thấy. Trong triển lãm lần này, tiếng nói của cộng đồng chiếm 60-70%, là những câu chuyện của cộng đồng chia sẻ, thể hiện cảm xúc mãnh liệt. Để thấy rằng, họ đã đạt được thành công nhất định trong cuộc sống, mặc dù là người nhiễm HIV. Họ chấp nhận công khai xuất hiện hình ảnh để đó là động lực, tấm gương cho nhiều người khác. Đây là một trong những giá trị mà chương trình mong muốn mang đến.
PGS.TS. Trương Xuân Liên (bìa phải) nhớ lại khoảnh khắc hoang mang, lo lắng khi là một trong những người phát hiện ra ca nhiễm HIV đầu tiên ở TP.HCM vào năm 1990
Trong chương trình, khách tham quan được lắng nghe chia sẻ người thật - việc thật, những y bác sĩ đã có mặt từ những ngày Việt Nam phát hiện ca nhiễm HIV đầu tiên vào năm 1990. Đó là PGS.TS. Trương Xuân Liên - nguyên Phó Viện trưởng Viện Parteur TP.HCM và bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM. Qua những tâm sự, chúng ta thấy được một giai đoạn đầu khó khăn và kinh khủng đối với người bệnh và cả đối với hệ thống y tế Việt Nam lúc bấy giờ. Và đáng thương hơn là các trường hợp bệnh nhi nhiễm HIV.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh (giữa) chia sẻ về nỗi lòng của mình dành cho các bệnh nhi nhiễm HIV
"Tôi nhớ không nhầm, vào khoảng năm 1993 - 1994, chúng ta phát hiện bệnh nhi nhiễm HIV đầu tiên. Sau đó, con số càng lúc càng nhiều. Khoa nhiễm lúc đó quá tải bởi số bệnh nhi đông khủng khiếp và điều duy nhất chúng tôi có thể làm là nhìn các bé chết dần" - bác sĩ Trương Hữu Khanh nhớ lại.
Sau 30 năm kể từ ngày "đen tối" phát hiện ca nhiễm đầu tiên đó, lĩnh vực khoa học y tế phát triển và hiện nay đã có thuốc điểu trị ARV - thuốc kháng virus, giảm sự sinh sôi phát triển của HIV trong máu; đồng thời giảm khả năng lây nhiễm cho người khác. Chính vì vậy, cùng với nỗ lực của toàn nhân loại, giờ đây tờ giấy kết quả xét nghiệm dương tính với HIV đã không còn là "cửa tử" đối với nhiều người.
Một người nhiễm HIV đã công khai danh tính và có mặt trong đêm hội ngộ "Cảm xúc 30 năm" để kể về câu chuyện của đời mình, về giây phút con của cô có thể không được chào đời vì sự kỳ thị của bác sĩ lúc bấy giờ. "Thật may mắn, khi em còn được gặp con. Và điều hạnh phúc hơn nữa là con em âm tính với HIV" - nhân vật trải lòng. Nụ cười khi cô nói kết quả xét nghiệm của con mình nhận được sự đồng cảm và tràng pháo tay của đông đảo khách mời.
"Hôm nay, em đến đây, đứng trước mặt nhiều người thừa nhận mình là người nhiễm HIV, kể câu chuyện của mình để mong muốn nói với mọi người một điều: Đừng bao giờ đặt dấu chấm hết cho người còn sống". Đó là thông điệp nhân văn và ý nghĩa mà không chỉ nhân vật mà còn của những người gắn bó với công tác chữa trị cho bệnh nhân nhiễm HIV.
Sau 30 năm, những mảng màu u ám, bi quan ban đầu đã được xoá mờ và thay thế bằng những nỗ lực tích cực hơn. Những biện pháp điều trị, phòng ngừa lây nhiễm đã và đang giúp những người sống với HIV có được cuộc sống khoẻ mạnh hơn. Từ một cộng đồng bị phân biệt đối xử, dễ bị tổn thương và thiếu thốn những điều kiện sống cơ bản, giờ đây họ đã có thể có công việc ổn định, có cuộc sống gia đình mà không phải ám ảnh với việc lây nhiễm cho những người thân của mình.
Đêm hội ngộ "Cảm xúc 30 năm" khép lại nhưng còn đó những thông điệp, những hy vọng vào một tương lai tốt đẹp với mục tiêu “chấm dứt AIDS tại Việt Nam” vào năm 2030. Đó là đích đến mà tất cả những con người, những tập thể đều mong đợi trong những năm qua.