Cẩn thận trước trào lưu chỉnh nắn xương khớp trên MXH

QUỐC MINH - THIỆN TÙNG // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 7/8/2023, 15:39

(HTV) - Chỉ cần gõ từ khóa "bẻ nắn xương khớp" trên các trang mạng xã hội Facebook, TikTok, hàng trăm clip hướng dẫn bẻ khớp cổ trị đau vai gáy dành cho những người đau mỏi vùng cổ vai gáy sẽ xuất hiện ngay lập tức.

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện những video clip hướng dẫn, quảng cáo về dịch vụ chỉnh nắn, bẻ khớp được thực hiện bởi các kỹ thuật viên hay tự thực hiện tại nhà. Nhiều clip trong số đó đang đưa đến quan niệm sai lầm khi nắn chỉnh khớp phải phát ra tiếng kêu thì mới có hiệu quả. Nhiều bệnh viện đã ghi nhận trường hợp chấn thương do làm theo những hướng dẫn này. 

Và cũng trong thời gian qua, nhiều bệnh viện trên địa bàn Thành phố đã tiếp nhận một số bệnh nhân bị gãy xương, chấn thương nặng sau khi đi bấm huyệt, bẻ khớp tại các cơ sở không rõ ràng.

Bác sĩ CKI Đinh Quang Thanh - Cố vấn chuyên môn, phụ trách khoa Phục hồi chức năng - Vật lý trị liệu - Điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM 

Bác sĩ CKI Đinh Quang Thanh - Cố vấn chuyên môn, phụ trách khoa Phục hồi chức năng - Vật lý trị liệu - Điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM cho biết: “Chúng sẽ xảy ra những tiếng kêu, đây là do hiện tượng giãn đột ngột của hệ thống gân cơ dây chằng. Nhưng thực chất chúng chỉ nhỏ thôi, những video clip thật ra là do họ khuếch đại âm thanh lên chứ tiếng kêu không lớn như vậy. Nếu chúng ta thực hiện từ một khớp không trật, có thể dẫn đến trật, có thể dẫn đến tổn thương hệ thống dây chằng, có thể gân cơ. Thực hiện sai kỹ thuật có thể dẫn đến gãy xương và đi lệch, chưa kể đặc biệt là những vùng như cột sống, vì chấn thương cột sống có thể nói nguy cơ rất trầm trọng và ảnh hưởng cả cuộc đời”. 

Thạc sĩ - Bác sĩ Nguyễn Hữu Đức Minh - Giảng viên ĐH Y dược TP.HCM, Trưởng đơn vị trị liệu Đa bàn tay Bệnh viện phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM 

Thạc sĩ - Bác sĩ Nguyễn Hữu Đức Minh - Giảng viên ĐH Y dược TP.HCM, Trưởng đơn vị trị liệu Đa bàn tay Bệnh viện phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM cho biết: “Nếu người dân muốn chọn lựa một dịch vụ nắn bóp về xương khớp thì nơi đó phải đảm bảo được ít nhất là người đó phải có chứng chỉ trong vòng 5 hoặc 10 năm”. 

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: