(HTV) - Căng thẳng gia tăng trên Biển Đỏ đang đe dọa ngành vận tải hàng rời: cước phí vận chuyển, giá hàng hóa đều tăng, và thời gian giao hàng kéo dài.
Nhiều công ty vận tải phải tạm dừng vận chuyển hoặc tìm kiếm các tuyến đường thay thế. Một số hãng vận tải biển toàn cầu đã chọn tuyến đường không qua Kênh đào Suez, vốn nối Biển Đỏ với Biển Địa Trung Hải, và là một trong những tuyến đường thủy nhộn nhịp nhất trên thế giới.
Tàu chở hàng của hãng vận tải Maersk Mỹ. Nguồn ảnh: Reuters
Dữ liệu từ công ty nghiên cứu thị trường Kepler cho thấy một số tàu chở tổng cộng khoảng 1,6 triệu tấn ngũ cốc đã thay đổi lộ trình từ Kênh đào Suez sang các tuyến khác trong những tuần gần đây.
Gạo từ Ấn Độ, đậu nành từ Mỹ, lúa mì từ châu Âu và hạt cải dầu từ Australia là những sản phẩm chính bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng vận tải Biển Đỏ.
Việc chọn đi đường khác cũng dẫn đến chi phí vận chuyển cao hơn và thời gian giao hàng lâu hơn.
Theo Ajay Sahai, Tổng Giám đốc Liên đoàn các Doanh nghiệp xuất khẩu Ấn Độ, cuộc khủng hoảng đã khiến các nhà xuất khẩu Ấn Độ phải chuyển 25% số tàu chở hàng của họ sang tuyến đường khác, tránh đi qua Biển Đỏ.
Tàu hàng của hãng vận tải MSC Maria Elena tại cảng Antwerp, Bỉ. Nguồn ảnh: Reuters
Royal FrieslandCampina, công ty sữa lớn nhất Hà Lan cũng tuyên bố rằng hầu hết các container sản phẩm bơ sữa của họ đang được vận chuyển qua Mũi Hảo Vọng ở cực nam châu Phi.
Tuyến hàng hải này kéo dài thời gian vận chuyển thêm từ 10 đến 15 ngày, và tăng chi phí cho mỗi container từ 30% đến 70%.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9