Theo một nghiên cứu mới đây, ngay cả khi bạn không mắc bệnh tiểu đường, lượng đường trong máu cao hơn một chút so với bình thường cũng vẫn sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.
Các nhà nghiên cứu Anh cho biết, nam giới dưới ngưỡng tiểu đường vẫn có nguy cơ mắc bệnh tim. Các nhà khoa học đã thực hiện nghiên cứu về mối liên hệ giữa bệnh tim và bệnh tiểu đường. Họ cho biết không có gì ngạc nhiên khi cả hai có mối liên hệ với nhau, nhưng họ không ngờ rằng nhiều người chỉ có lượng đường trong máu cao hơn một chút vẫn có nguy cơ mắc bệnh cao hơn bình thường.
Khảo sát trên 420.000 người không có tiền sử bệnh tim trong hơn 15 năm. Nguồn ảnh: AP
Họ đã kiểm tra hồ sơ của 420.000 người đăng ký trên hệ thống lưu trữ dữ liệu y sinh Biobank. Các nhà khoa học đã chọn những người đăng ký từ năm 2006 đến 2010, bao gồm những người không có tiền sử bệnh tim. Sau đó, họ theo dõi kết quả của nhóm đó trong hơn 15 năm.
Nghiên cứu chỉ ra những người đàn ông tiền tiểu đường với lượng đường trong máu dưới ngưỡng tiểu đường có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn 30%. Nguy cơ đó tăng lên 50% đối với những người đàn ông đã mắc bệnh tiểu đường.
Với phụ nữ, kết quả còn tệ hơn, dao động từ 50% đến 100% từ mức đường huyết trước khi mắc bệnh tiểu đường cho đến mức mắc bệnh tiểu đường.
Tiến sĩ Christopher Rentsch - Trường Y học nhiệt đới và vệ sinh Luân Đôn nói về kết quả nghiên cứu. Nguồn ảnh: AP
Tiến sĩ Christopher Rentsch - Trường Y học nhiệt đới và vệ sinh Luân Đôn cho biết: "Chúng tôi nhận thấy có bốn yếu tố giải thích sự khác biệt lớn nhất giữa nam và nữ trong mối quan hệ giữa lượng đường trong máu và bệnh tim. Hai trong số đó là thước đo béo phì, chỉ số khối cơ thể và tỷ lệ eo-hông của chúng ta. Hai vấn đề còn lại là việc sử dụng các loại thuốc phòng ngừa như thuốc hạ huyết áp và thuốc statin. Phụ nữ ở mọi mức độ đường trong máu đều béo phì hơn và có tỷ lệ eo-hông bất lợi hơn so với nam giới trong mẫu của chúng tôi."
Nghiên cứu cho thấy những gì hiện được coi là mức đường trong máu thấp không hẳn là an toàn khi nói đến rủi ro mắc bệnh tim.
Tiến sĩ Christopher Rentsch cho biết họ phát hiện những rủi ro này đều có ở nam và nữ dưới ngưỡng mắc bệnh tiểu đường. Điều này khiến họ thắc mắc về các điểm cắt lâm sàng lâu nay được sử dụng để xác định bệnh tiểu đường, và đặt câu hỏi liệu có nên sửa đổi khái niệm của điểm cắt lâm sàng trong y khoa hay không.
Giai đoạn tiếp theo của nghiên cứu này sẽ là kiểm tra mức độ ảnh hưởng của lượng đường trong máu đến bệnh tim. Nguồn ảnh AP
Giai đoạn tiếp theo của nghiên cứu này sẽ là kiểm tra xem lượng đường trong máu ảnh hưởng đến bệnh tim như thế nào.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9