Cầu Truyền hình đầu tiên của tôi

TRẦN HÙNG // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 22/11/2023, 20:00

(HTV) - Năm 2023 đánh dấu 10 năm tôi bước chân vô Đài Truyền hình TP.HCM - từ nơi chưa hề tồn tại trong giấc mơ, trở thành nơi những giấc mơ tồn tại!

Tôi từng có những lời chia sẻ như vậy trên trang Facebook cá nhân vào cuối tháng 6, khi nhìn lại chặng đường đã qua, và thấy rằng những gì tâm đắc nhất, tinh túy nhất của bản thân đều được thể hiện rõ nét trong chương trình Cầu Truyền hình đầu tiên tôi được tham gia thực hiện.

Cầu Truyền hình là gì vậy?

Kết hợp chính luận và biểu diễn nghệ thuật, Cầu Truyền hình “Linh thiêng Việt Nam” kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022) là chương trình quy mô nhất của Đài HTV trong năm 2022, được Truyền hình trực tiếp tại 3 điểm cầu: Khu Truyền thống Cách mạng “Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định”, Nghĩa trang liệt sĩ thành phố và Nhà hát Đài Truyền hình TP.HCM.

Bỡ ngỡ, lo lắng là cảm xúc của tôi khi được anh Đỗ Quang Trường - Trưởng Phòng Kinh tế, Trung tâm Tin tức giao nhiệm vụ tham gia thực hiện phần chính luận của Cầu Truyền hình. Nhưng cũng chính vì được cùng anh Quang Trường thực hiện chương trình, bản thân lại cảm thấy khá yên tâm và háo hức, vì gặp khó chỗ nào sẽ được anh hướng dẫn tận tình để khắc phục. Điều này đã được chứng minh trong nhiều năm làm việc cùng anh!

Liệu những gì mình học được, tích lũy được gần 10 năm theo nghề có đủ sức giúp mình hoàn thành nhiệm vụ? Câu hỏi này cứ đi theo tôi trong suốt quá trình theo chân anh Quang Trường từ lúc tiếp cận vấn đề, tìm tài liệu, tư liệu lịch sử, tìm nhân vật,… Và cuối cùng, “nhân vật chính” của câu chuyện đã được chọn: Lá cờ giới tuyến và lá thư thiêng thành cổ Quảng Trị.

“Lần đầu tiên nghe luôn!” Tôi nghĩ như vậy và đương nhiên không dám nói trước mặt anh. Tôi cũng biết rằng sau vài tháng theo đuổi, đeo bám, viết rồi lại sửa, các “nhân vật chính” này sẽ sớm trở thành một phần ký ức không thể phai trong đời tôi. 

 

Những cuộc gặp gỡ với những người đặc biệt

Sau khi lên đường dây, ekip gồm anh Quang Trường cùng tôi, 2 MC, đạo diễn, quay phim, ánh sáng,… đã ráo riết chuẩn bị lên đường đến Quảng Trị, Thái Bình, Hà Nội để tranh thủ ghi hình, phỏng vấn các nhân vật. 

Tiếp cận nhân vật từ gần đến xa, tôi được phân công gặp gỡ một nhân vật đặc biệt ngay tại TP.HCM. Đó là ông Nguyễn Hữu Ái - Nguyên giảng viên Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM - Nguyên Chiến sĩ Công an vũ trang bờ Bắc Hiền Lương. Kỷ vật thiêng liêng của ông là lá cờ giới tuyến, do ông thu thập từng mảnh bị bom đạn phá nát rồi vá lại, trên đó còn lưu lại những vết máu của đồng đội. Nhìn cách ông cất giữ lá cờ giới tuyến cẩn thận trong tủ sắt, thao thao bất tuyệt kể lại những kỷ niệm cùng đồng đội, tôi tin chắc đây sẽ là một trong những điểm nhấn quan trọng của chương trình.  

Nhưng để dẫn vào câu chuyện của ông Nguyễn Hữu Ái, không thể không giới thiệu một địa điểm quan trọng. Đó là cầu Hiền Lương, bắc qua sông Bến Hải, nơi có cột cờ giới tuyến, tại tỉnh Quảng Trị. Không thể háo hức hơn, tôi cùng ekip đến tận nơi ghi lại những hình ảnh mới nhất cũng như tìm lại một số chiến sĩ từng bảo vệ cột cờ và hoạt động cách mạng tại nơi này, để hiểu thêm về ý nghĩa tinh thần của cột cờ lúc bấy giờ, như một niềm tin để các chiến sĩ và bà con bên bờ cầu Hiền Lương hướng về. Tại đây, ekip đã tiếp xúc và phỏng vấn cụ Nguyễn Thanh Hà - Nguyên Cán bộ Công an vũ trang giới tuyến và ông Trương Đức Hai - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. 

Một điểm nhấn khác là lá thư thiêng được trưng bày trong bảo tàng ở thành cổ Quảng Trị, do liệt sĩ Lê Văn Huỳnh viết cho gia đình trước lúc hy sinh. Sự linh thiêng của linh hồn người liệt sĩ qua bức thư gửi lại đã giúp gia đình và đồng đội tìm được hài cốt của anh sau 30 năm nằm bên bờ của dòng Thạch Hãn. Nghe sơ thôi đã thấy ly kỳ, hấp dẫn rồi!

Qua giới thiệu của địa phương, ekip đã tìm đến nhà ông Trần Khánh Khư - nguyên Trưởng Ban Quản lý Di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị. Ông là người rất tâm huyết với lá thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh, và là người đã hỗ trợ gia đình tìm lại được hài cốt của anh, thậm chí ông Khư đã dẫn ekip đến tận nơi phát hiện hài cốt - nơi hết sức hẻo lánh, không thể tiếp cận bằng phương tiện giao thông, tôi cùng ekip đã phải đi bộ với máy móc, thiết bị sẵn sàng trên tay để ghi lại những hình ảnh quý giá. Tuy nhiên, qua thời gian, nơi đây đã không còn vết tích gì, và không khác gì một khu rừng. Trong lúc tiếc nuối và thấm mệt, ông Khư cùng ekip đã gặp lại một người dân đã từng hỗ trợ thu thập hài cốt của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh, và đưa ra được một số hình chụp lúc đào xới và đưa hài cốt liệt sĩ về quê, chưa từng được công bố trước đây. Mọi mỏi mệt đã được đền đáp, ekip đã có được hình tư liệu quý để đưa vào video clip. 

Tuy nhiên, đây chỉ là bước đầu tiên. Qua lời kể của ông Khư, ekip được biết bà Đặng Thị Xơ - vợ liệt sĩ Lê Văn Huỳnh hiện vẫn sống một mình, hương khói cho chồng ở trong căn nhà tình nghĩa tại tỉnh Thái Bình. Sau nhiều lần đến nhà khuyên nhủ, năn nỉ, bà Xơ đã nhận lời vào TP.HCM tham gia chương trình.

Câu chuyện của chính bà, cùng người chồng vừa lấy nhau vài ngày đã xung phong nhập ngũ và ra đi mãi mãi, gắn liền với câu chuyện ly kỳ tìm kiếm hài cốt từ lá thư thiêng mà liệt sĩ Lê Văn Huỳnh đã viết khi dự cảm được bản thân sẽ hy sinh, đã thực sự gây xúc động mạnh cho khán giả. Nước mắt tôi cũng đã rơi, vì lần đầu tiên được nghe bà kể chuyện với chất giọng cứng rắn, mạnh mẽ của một người phụ nữ thủy chung!

Chương trình hoành tráng nhất tôi từng tham gia

“Hoành tráng quá!” Tôi đã phải thốt lên khi chứng kiến những công nghệ hiện đại được ứng dụng như hiệu ứng âm thanh, hình tượng sân khấu hóa vào một chương trình chính luận. Chính điều này đã tô đậm thêm những câu chuyện của nhân vật, làm nổi bật những kỷ vật thiêng liêng, làm vỡ òa cảm xúc của khán giả và cả bản thân nhân vật. 

Thể hiện rõ nhất là đầu cầu Nhà hát Đài Truyền hình TP.HCM với tiết mục “Miền xa thẳm” gắn với câu chuyện của bà Đặng Thị Xơ về lá thư thiêng thành cổ. Sự tương tác của diễn viên múa với “nhân vật” trên màn hình vô cùng cuốn hút và gây ấn tượng rất mạnh cho người xem, giúp khán giả “trải nghiệm” được tâm trạng của nhân vật, yêu nhau nhưng không thể đến được với nhau. Cũng nhờ tiết mục này, cuộc phỏng vấn của MC với bà Xơ tiếp theo sau như có thêm chất xúc tác, cảm xúc dâng đến cao trào, có thể nói là một điểm nhấn kinh điển.

Được tham gia thực hiện Cầu Truyền hình “Linh thiêng Việt Nam” là niềm vinh dự to lớn của tôi. Sau khi thực hiện, tôi thấy mình như trở thành một con người khác, trưởng thành hơn, chín chắn hơn, như một điểm nhấn trong những năm lăn lộn với nghề, kết thúc một chặng đường cũ, mở ra một chặng đường mới, hướng tới những cái 10 năm đầy hứa hẹn phía trước.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: