Gần đây, trào lưu chuyển các bức ảnh đời thật thành phong cách anime bằng công nghệ A.I. đang là xu hướng trên mạng xã hội. Tuy nhiên, số đông tác giả và những người hoạt động lĩnh vực sáng tạo lại lên tiếng không đồng tình.
Hình ảnh anime được tạo bởi ứng dụng Loopsie
Những hình ảnh này được A.I. tạo ra trên ứng dụng chỉnh ảnh, video - Loopsie giúp người dùng biến những bức ảnh bình thường trở nên thú vị, sinh động, hệt như các thước phim trong phim hoạt hình Nhật Bản đã “gây bão” mạng xã hội. Tuy nhiên, xu hướng này lại đang gây tranh cãi từ phía nghệ sĩ nói riêng và cộng đồng người quan tâm tới nghệ thuật, sáng tạo nói chung.
Cụ thể, đơn vị phát hành sách truyện Việt Du Bút đã đăng ảnh phong cách anime bằng ứng dụng A.I. sau đó lập tức nhận nhiều phản ứng tiêu cực từ chính bạn đọc và họa sĩ hợp tác. Họ bày tỏ sự thất vọng khi một đơn vị xuất bản sách truyện lại ủng hộ cho ứng dụng được cho là "ăn cắp chất xám", và những người sáng tạo cho rằng Du Bút đang đi ngược quyền lợi của nghệ sĩ. Sau đó, Du Bút đã phải gỡ bài đăng gây tranh cãi này và đăng thư xin lỗi.
Bài đăng trên trang Du Bút bất ngờ tạo ra tranh cãi lớn
Bên cạnh những trang mạng xã hội chạy theo xu hướng, thì vẫn có những trường đại học “mũi nhọn” trong đào tạo giảng dạy thiết kế đi ngược lại. Trong số đó có Trường Đại học Hoa Sen với bộ ảnh vẽ tay các giảng viên trong trường rất độc đáo, cá tính và đậm chất riêng. Đặc biệt, bài viết nhận được nhiều lời khen giữa “tâm bão” ảnh anime hóa.
Khoa Thiết kế và Nghệ thuật, Đại học Hoa Sen đăng tải bộ ảnh vẽ tay bởi giảng viên của trường
Abhishek Gupta - Người sáng lập và nhà nghiên cứu chính Viện Đạo đức A.I. tại Montreal (Mỹ) từng chia sẻ: "Việc sử dụng các công cụ A.I. có ảnh hưởng rõ ràng đối với sinh kế của các nghệ sĩ. Đặc biệt là những người phụ thuộc nhiều vào nguồn tiền thu từ việc sáng tạo các tác phẩm được ủy thác cho họ như thiết kế bìa sách, tranh minh họa và sản phẩm đồ họa".
Sự tranh cãi về các tác phẩm nghệ thuật được tạo bởi A.I. vẫn chưa có hồi kết. Nhưng thực tế, các mô hình sáng tạo nghệ thuật dựa trên A.I. hoàn toàn không lưu trữ hình ảnh. Thay vào đó, chúng chỉ thực hiện các phép tính toán dựa trên mẫu ảnh được thu thập. Chúng cũng không cắt ghép các hình ảnh lại với nhau, mà tạo ra hình ảnh mới hoàn toàn dựa trên những tính toán kể trên.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9