(HTV) - Theo thống kê của Bộ Xây dựng, hiện chỉ có khoảng 2% công trình mới tại Việt Nam đăng ký hạng mục công trình xanh giảm phát thải.
Con số này khá thấp và phần nào gây lo ngại cho mục tiêu đạt mức Net Zero vào năm 2050. Nhiều chuyên gia cũng đã lên tiếng cảnh báo, cần thay đổi tư duy phát triển hạ tầng, trong đó, giảm tác động đến môi trường trở thành tiêu chí bắt buộc khi xây dựng các tòa nhà.
Phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực xây dựng chủ yếu đến từ 2 nguồn. Một là quá trình công nghiệp thông qua các phản ứng hóa học trong sản xuất vật liệu xây dựng, nung clinker, gọi là phát thải gián tiếp. Nguồn thứ hai là phát thải từ quá trình sử dụng năng lượng là nhiên liệu hoá thạch cho các hoạt động sản xuất, thương mại vật liệu xây dựng.
Ước tính, nếu một nửa các công trình xây dựng mới hiện nay sử dụng gạch không nung thì sẽ tiêu thụ khoảng 20 triệu tấn chất thải công nghiệp như: tro, xỉ than, tương đương với việc tiết kiệm được 1.000 hecta đất nông nghiệp và hàng trăm hécta đất chứa phế thải.
Theo Bộ Xây dựng, tính đến hết quý I 2024 Việt Nam có 430 công trình đạt tiêu chí công trình xanh, chỉ chiếm khoảng 2% số công trình xây mới. Trong đó, TP.HCM với gần 100 công trình xanh, đứng đầu cả nước về số lượng công trình đạt tiêu chí xanh.
Theo quy định của chính phủ, đến năm 2026, 50 cơ sở sản xuất xi măng phải hiện nghĩa vụ kiểm kê khí nhà kính, triển khai các hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính để đáp ứng hạn ngạch phát thải trước khi được phép tham gia thị trường giao dịch tín chỉ carbon. Dự kiến trong năm 2024, Bộ Xây dựng sẽ ban hành Kế hoạch thực hiện giảm phát thải khí nhà kính lĩnh vực quản lý của ngành. Tất cả nỗ lực nhằm thúc đẩy các nghiên cứu chuyển đổi vật liệu xây dựng, giảm phát thải, khuyến khích thêm nhiều công trình xanh.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9