(HTV) - Giao kết lao động hiện nay giữa người giúp việc và người sử dụng giúp việc vẫn rất lỏng lẻo, và hiếm khi được cụ thể hóa bằng hợp đồng.
Trung bình một năm, Trung tâm này tiếp nhận và giới thiệu khoảng hơn 100 yêu cầu người giúp việc dài hạn. Con số này có giảm trong năm 2023, tuy nhiên nhu cầu về người giúp việc nhà vẫn được ghi nhận là cao, tại một đô thị lớn như TP.HCM.
Theo lãnh đạo Trung tâm, trong phạm vi chức năng của các trung tâm môi giới việc làm, đơn vị hiện chỉ có thể tối ưu khâu xác minh danh tính người lao động và kết nối người lao động với cá nhân, tổ chức có nhu cầu, quản lý về mặt kỹ năng, còn về mặt tâm lý vẫn sẽ phụ thuộc nhiều vào mối quan hệ sử dụng lao động sau đó.
Ông Nguyễn Văn Sang - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm Thanh niên TP.HCM cho biết: "Đa phần người giúp việc ở quê ra, trình độ văn hóa cũng như nhận thức có hạn, nhiều người còn không ý thức được để khi nhận việc, họ phải có trách nhiệm ra sao, bị ràng buộc cũng như phải tuân thủ theo những quy định pháp lý thế nào. Tư duy đơn giản, nhận thức dễ dãi và sự thiếu hiểu biết cũng như không tôn trọng chính công việc của mình khiến nhiều các chuyện đáng tiếc xảy ra".
Ông Nguyễn Văn Sang - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm Thanh niên TP.HCM
Giúp việc gia đình được Bộ Luật Lao động 2019 thừa nhận là một nghề, với những quy định chi tiết tại Điều 161. Đồng thời, trong các nghị định hướng dẫn, có đề nghị đưa nghề giúp việc gia đình vào danh mục nghề nghiệp quốc gia, người giúp việc gia đình được ký hợp đồng lao động, có quyền được chăm sóc y tế, được đào tạo, cung cấp kỹ năng sống. Tuy nhiên, giao kết lao động hiện nay giữa người giúp việc và người sử dụng giúp việc vẫn rất lỏng lẻo, và hiếm khi được cụ thể hóa bằng hợp đồng.
Theo Luật sư Hà Hải, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng: "Người giúp việc gia đình được ký hợp đồng lao động như người làm các nghề nghiệp khác, có quyền được chăm sóc y tế, được đào tạo, cung cấp kỹ năng sống. Như thế, đồng nghĩa với người giúp việc nếu vi phạm những quy định của pháp luật sẽ bị xử lý. Trong vấn đề này, người giúp việc cần phải hiểu rõ hơn ai cả, để điều chỉnh cũng như ý thức được mình sẽ đối diện với mức xử lý thế nào.
Thuê người giúp việc cần được lập thành hợp đồng với các điều khoản cụ thể, trong đó thể hiện rõ quyền và trách nhiệm của 2 bên".
Luật sư Hà Hải, Đoàn Luật sư TP.HCM
Bà Trần Lê Thanh Trúc - Trưởng Phòng Việc làm - An toàn lao động, Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP.HCM cho biết: "Việc thừa nhận lao động giúp việc gia đình là một nghề trong các văn bản này, đã tạo nền tảng quan trọng để Bộ luật Lao động năm 2012 quy định cụ thể về lao động giúp việc gia đình từ Điều 179 đến Điều 183. Rất khó để tìm kiếm ra một trung tâm nào tổ chức lớp để đào tạo giúp việc một cách bài bản, hay cung cấp, phổ biến, cập nhật kiến thức pháp luật cho người lao động. Thực tế hiện nay, vai trò của các trung tâm chỉ giữ vai trò môi giới, cung cấp “dịch vụ” cho người có nhu cầu để thu tiền, chứ không hề có trách nhiệm trước, trong và sau với người lao động, người sử dụng lao động".
Bà Trần Lê Thanh Trúc - Trưởng Phòng Việc làm - An toàn lao động, Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP.HCM
Hành lang pháp lý đã có, nhưng làm được hay không sẽ phụ thuộc nhiều vào ngưới giúp việc và người sử dụng lao động.
Nếu tâm lý dễ dãi trong việc sử dụng lao động giúp việc vẫn tiếp tục tồn tại, thì có lẽ sẽ xuất hiện nhiều tình huống không hay trong mối quan hệ người giúp việc - người sử dụng lao động, và điều nguy hiểm hơn cả là có thể xảy ra những hành động mà không tuân theo lương tâm và luật pháp.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9