Cùng liên kết để xây dựng đường dài cho xuất khẩu gạo

VŨ TUYÊN - XUÂN HẠO - PHONG TRẦN // TRUNG T M TIN TỨC HTV 10/1/2024, 19:00

(HTV) - Năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 8,29 triệu tấn gạo, mang về giá trị 4,78 tỷ USD, tăng 16,7% về khối lượng và tăng 38,4% về giá trị so với năm 2022.

Đây là con số cao kỷ lục kể từ năm 1989 khi Việt Nam bắt đầu tham gia xuất khẩu gạo. Sự thành công này của ngành lúa gạo ngoài yếu tố nội lực còn phải kể đến yếu tố khách quan khiến thương mại gạo toàn cầu chuyển sang trạng thái cung không đủ cầu, lợi thế thuộc về các nước xuất khẩu.

Tuy nhiên, trong bối cảnh ngành gạo lập kỷ lục về xuất khẩu vẫn bộc lộ yếu tố chưa bền vững. Do đó, các chuyên gia cho rằng cần đưa ra những giải pháp đường dài để gạo Việt phát triển bền vững hơn. Đây là nội dung của tọa đàm do báo Người Lao động vừa tổ chức tại TP.HCM.

Ông Phạm Thái Bình - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An 

Với linh nghiệm hơn 30 năm trong lĩnh vực lúa gạo, ông Phạm Thái Bình - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cho biết, giải pháp đường dài cho ngành lúa gạo hiện nay chính là cánh đồng lớn. Nghĩa là cần có sự liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân để mang lại lợi ích cho cả đôi bên.

Đây là giải pháp căn cơ được các doanh nghiệp nhìn nhận là vô cùng quan trọng trong bối cảnh hiện nay, thế nhưng vấn đề này là 1 thách thức lớn. Bởi theo ông Bình, hiện nay liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân rất ít. "Diện tích trồng lúa của Việt Nam nói chung hay Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng gần 4 triệu hecta, thế nhưng diện tích liên kết chỉ khoảng 5%, vài trăm ngàn hecta, thì con số đó là quá ít" - Ông Bình nhấn mạnh.

Nông dân và doanh nghiệp không gắn kết được vì có nhiều trung gian, nên dù xuất khẩu gạo thành công về giá trị lẫn sản lượng nhưng bên trong vẫn tồn tại những khó khăn như thời điểm giá lúa cao, nông dân có lợi nhưng doanh nghiệp xuất khẩu khó khăn.

Ông Phạm Văn Mười - Phó Giám đốc sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu

Theo ông Phạm Văn Mười - Phó Giám đốc sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, cái khó trong liên kết hiện nay một mặt là người nông dân còn sản xuất nhỏ lẻ, muốn liên kết thì phải vào cánh đồng lớn, tham gia Hợp tác xã, thứ 2 là phải có chữ tín giữa doanh nghiệp và nông dân, và thứ 3 là ngân hàng nên có sự hỗ trợ để nông dân tiếp cận vốn. Ông Mười cho rằng, doanh nghiệp phải xem người nông dân là khách hàng, đối tác tin cậy lâu dài, cả hai phải cùng lợi ích hài hòa, chia sẻ rủi ro chia với nhau.

Các chuyên gia tại tọa đàm "Giải pháp đường dài cho xuất khẩu gạo" cũng cho rằng, những bất cập xảy ra hiện nay cũng là do chuỗi liên kết chưa chặt chẽ, số lượng sản xuất nhỏ lẻ còn nhiều, từ đó dẫn đến việc tranh mua, tranh bán. Để tạo ra con đường dài bền vững cho ngành lúa gạo, thì cần thiết phải sắp xếp lại thị trường, xây dựng chuỗi liên kết. Làm sao khi tham gia vào chuỗi sản xuất này, không chỉ nông dân có lời mà doanh nghiệp cũng phải có lãi. 


Cơ hội và thách thức luôn song hành, nhưng các doanh nghiệp vẫn kỳ vọng, đề án "Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030" sẽ là cú hích để giải quyết những bất cập trên, giúp ngành lúa gạo tiếp tục ghi dấu ấn trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9


Ý kiến của bạn: