Đại biểu Quốc hội giám sát luật cư trú tại TP. Thủ Đức

BÍCH VÂN - XUÂN HẠO // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 5/5/2023, 09:08

(HTV) - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM do bà Văn Thị Bạch Tuyết làm trưởng đoàn đã tiến hành khảo sát Luật cư trú tại TP. Thủ Đức. Nhiều kiến nghị, đề xuất cũng đã được địa phương này đưa ra tại buổi khảo sát.

Đại biểu Quốc hội giám sát luật cư trú tại TP. Thủ Đức

Theo đại điện Công an TP. Thủ Đức, kết quả thực hiện Luật cư trú trong năm 2022 có gần 42.000 hồ sơ đăng ký thường trú trực tiếp và gần 16.000 hồ sơ đăng ký trực tuyến. Trong đó, tổng số hồ sơ quá hạn là 6.276 hồ sơ.

Kết quả giải quyết hồ sơ đăng ký tạm trú trực tiếp là hơn 161 ngàn hồ sơ và giải quyết trực tuyến là gần 41 ngàn hồ sơ. Tổng số hồ sơ quá hạn là gần 108.000 hồ sơ. Lý giải về số lượng hồ sơ trễ hạn, Công an TP. Thủ Đức cho biết, công tác xác minh CT10 còn chậm trễ ở một số địa phương khác, hệ thống cơ sở dữ liệu giai đoạn đầu thường xuyên bị lỗi gây ảnh hưởng đến quá trình xử lý hồ sơ.

Nhiều kiến nghị, đề xuất cũng đã được địa phương này đưa ra tại buổi khảo sát

Đến nay, công tác làm sạch dữ liệu dân cư trên địa bàn đã đạt trên 95%. Đồng thời tiến hành cập nhật 100% thực tế cư trú trên địa bàn trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Theo đại điện Công an TP. Thủ Đức, hiện nay, Bộ Công an đã cấp thẻ CCCD gắn chíp cho người dân với 17 trường thông tin tích hợp. Tuy nhiên, việc chưa được chia sẻ trường thông tin này với các bộ ngành liên quan dẫn đến nhiều khó khăn nhất là công tác xác thực cư trú cho người dân.

Thượng tá Lê Thị Liên Hồng - Phó Trưởng Công an TP. Thủ Đức, TP.HCM, cho biết: "Một số ngành sẽ rất bị động trong quá trình xác thực cư trú cho người dân do đều phải phụ thuộc vào CT07. Nếu như yêu cầu người dân xác thực CT07 thì sẽ có một số nội dung trái với quy định cho nên là rất khó cho người dân. Tại vì trong trường thông tin khai thác không chứng minh được thông tin cư trú, thời gian cư trú, cái này cũng đã tháo gỡ là Công an sẽ xác minh ngay, còn cái nào không trả lời ngay được thì phải hẹn người dân lại và hạn chế phụ thuộc vào CT07".

Thượng tá Hồ Thị Lãnh - Phó đội trưởng Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06), Công an TP.HCM, cho biết: "Chúng ta hiện nay chưa có chủ trương để chia sẻ dữ liệu thông tin. Vì hiện nay Đề án 06 trong giai đoạn 2022-2025 tầm nhìn 2030, thì trong giai đoạn này ngoài Bộ Công an cũng như các đơn vị liên quan đăng ký số hóa dữ liệu chuyên ngành. Khi dữ liệu chuyên ngành chuẩn rồi thì sẽ kết nối với dữ liệu dân cư. Hiện nay các địa phương đã được kết nối và 13 bộ ngành liên quan đã được liên thông trong cơ sở dữ liệu".

Cần nhanh chóng giải quyết hồ sơ quá hạn, hạn chế thấp nhất phiền hà cho người dân

Theo UBND TP. Thủ Đức, riêng năm 2023, kinh phí cấp cho việc thực hiện Đề án 06 tại 31 phường trên địa bàn là hơn 2,6 tỷ đồng, được trích từ ngân sách địa phương. Để đạt được các mục tiêu mà Đề án 06 đã đề ra, ngoài các văn bản, hướng dẫn, trang thiết bị, hạ tầng kỹ thuật, đường truyền, con người và bổ sung, liên thông trường dữ liệu.

Ông Nguyễn Kỳ Phùng - Phó Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức, TP.HCM, cho biết: "Thứ nhất nên tập huấn chuyên sâu về luật cư trú cũng như thao tác trên hệ thống cơ sở dữ liệu. Thứ hai là về biên chế quản lý cư trú cấp phường xã thì bên Công an cũng nên đề xuất tăng cường người về chứ đang quả tải, tiếp tục bổ sung kinh phí để nâng cấp, sửa chữa máy móc".


Phát biểu tại buổi giám sát, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM Văn Thị Bạch Tuyết ghi nhận những nỗ lực và kết quả mà chính quyền, Đảng bộ và nhân dân TP. Thủ Đức đã đạt được trong quá trình thực hiện Luật cư trú. Đồng thời đề nghị Công an địa phương cần nhanh chóng giải quyết hồ sơ quá hạn, hạn chế thấp nhất phiền hà cho người dân. Bên cạnh đó, cần có báo cáo về những khó khăn liên quan trang thiết bị phục vụ cho đề án nhằm thực hiện đề án một cách hiệu quả.

>>> Xin mời quý vị đón xem chương trình thời sự của HTV lúc 20G mỗi ngày trên HTV


Ý kiến của bạn: