(HTV) - Chế biến sâu nông sản sau thu hoạch là cách để gia tăng giá trị đầu ra cho sản phẩm.
Tuy nhiên theo ước tính, sản lượng rau quả Việt Nam hàng năm đạt 31 triệu tấn nhưng tỉ lệ chế biến sâu chỉ đạt khoảng 12% - 17%, và chỉ đáp ứng khoảng 8% - 10% sản lượng.
Điều này một mặt khiến giá trị nông sản không được gia tăng, giảm sức cạnh tranh trên nhiều thị trường lớn. Mặt khác, người nông dân có nguy cơ chịu thiệt hại lớn, do lượng rau quả hư hỏng sau thu hoạch, hay hư hỏng khi vận chuyển đến nơi tiêu thụ.
Sản lượng rau quả Việt Nam hàng năm đạt 31 triệu tấn nhưng tỉ lệ chế biến sâu chỉ đạt khoảng 12% - 17%
Theo đại diện Hiệp hội rau quả Việt Nam, Việt Nam mới có khoảng 150 cơ sở, doanh nghiệp có nhà máy chế biến hiện đại, đầu tư mới. Còn lại hơn 7.500 cơ sở chế biến nhỏ lẻ của hộ gia đình, hoặc các doanh nghiệp nhỏ mới chỉ làm công tác sơ chế, bảo quản sau quy hoạch. Do đó lượng rau củ quả bị hao hụt sau thu hoạch chiếm từ 30 - 40%.
Ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam cho biết: "Muốn chế biến phải có đất để làm nhà máy, muốn sản xuất lớn thì phải có đất nhưng hiện nay doanh nghiệp nông nghiệp thiếu đất, muốn xây dựng vùng nguyên liệu thì khó. Doanh nghiệp muốn có đất thì phải đi thuê đất vì hiện Nhà nước không có đất cho doanh nghiệp. Đó là 1 vấn đề mà hiện nay Nhà nước không đáp ứng được".
Ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam
Tiến sĩ Trần Thị Thu Hiền - Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách Công thương, Bộ Công thương cho biết: "Việt Nam chủ yếu xuất khẩu những sản phẩm thô sơ, chưa có sự chế biến sâu và chế biến để nâng cao giá trị xuất khẩu. Đây cũng là cái điểm nghẽn lớn".
Để đạt được mục tiêu là đến năm 2030 phát triển ngành chế biến hiện đại, hiệu quả và bền vững, đáp ứng được các nhu cầu và quy định của các thị trường tiêu thụ để Việt Nam trở thành trung tâm chế biến nông sản và đứng top 10 các nước hàng đầu của thế giới, Việt Nam cần phải đẩy mạnh liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ. Trong đó, hình thành một số tập đoàn, doanh nghiệp chế biến nông sản hiện đại, có tiềm lực kinh tế và trình độ quản lý thực sự là "đầu tàu" dẫn dắt, liên kết sản xuất và tiêu thụ.
"Cần phải có những cái rất là nỗ lực rất là lớn để hoàn thiện cái khâu sản xuất chế biến ứng dụng công nghệ cao vào trong hoạt động sản xuất chế biến. Cần phải có sự đồng hành giữa doanh nghiệp cũng như là Chính phủ. Trong đó, Chính phủ sắp tới có thể là đưa ra nhiều hơn chính sách để mà đáp ứng được cái yêu cầu về công nghệ cũng như là nguồn nhân lực. Bên cạnh đấy doanh nghiệp cũng cần có cái sự đào tạo nguồn nhân lực để có thể ứng dụng công nghệ cao vào trong thị trường sản xuất chế biến xuất khẩu", Tiến sĩ Trần Thị Thu Hiền - Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách Công thương, Bộ Công thương cho biết.
Tiến sĩ Trần Thị Thu Hiền - Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách Công thương, Bộ Công thương
Các chuyên gia cũng cho rằng, cơ quan Bộ ngành cần nghiên cứu ban hành văn bản quy phạm pháp luật quản lý liên kết chuỗi, có quy định điều phối các hoạt động liên kết; nâng cao năng lực chế biến, bảo quản rau quả hoặc hoàn thiện thể chế, chính sách; phát triển thị trường sản phẩm chế biến bền vững.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9