(HTV) - Các đảng cựu hữu đã đạt được bước tiến lớn trong cuộc bầu cử Nghị viện Châu Âu (EP) diễn ra trong 4 ngày qua. Đáng chú ý, các đảng của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã hứng chịu thất bại nặng nề.
Theo dự báo sơ bộ từ 27 nước thành viên EU, Đảng Nhân dân Châu Âu (EPP) theo đường lối trung hữu giành được 184 trên tổng số 720 ghế. Theo sau là Liên minh trung tả Xã hội và Dân chủ (S&D) với 139 ghế.
Nhóm đảng trung dung cùng với các đồng minh được dự báo tiếp tục giữ thế đa số tại Nghị viện Châu Âu. Tuy nhiên, cuộc bầu cử lần này đã chứng kiến sự trỗi dậy của các đảng cực hữu.
Bà Ursula von der Leyen - Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, Ứng viên Đảng Nhân dân Châu Âu (EPP), nói: "Việc các đảng cực hữu giành được nhiều sự ủng hộ hơn trước cho thấy trách nhiệm lớn đối với các đảng trung dung. Mục tiêu của tôi là tiếp tục con đường ủng hộ Châu Âu và Pháp quyền. Và tôi tự tin mình sẽ tiếp tục đảm nhận vị trí Chủ tịch Ủy ban Châu Âu nhiệm kỳ tiếp theo".
Bà Ursula von der Leyen tại sự kiện bầu cử của EP tại Brussels (Bỉ) hôm 09/6/2024. Nguồn ảnh: Reuters
Theo giới quan sát chính trị, sự dịch chuyển qua cánh hữu có thể khiến EU khó thông qua các đạo luật mới. Các đảng cực hữu và dân túy đã xoáy vào các vấn đề như chi phí sinh hoạt cao, tình trạng nhập cư, sự bất mãn của nông dân trước các chính sách môi trường, và xung đột ở Ucraina để giành sự ủng hộ của cử tri.
Tại Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron đã tuyên bố giải tán quốc hội và tổ chức bầu cử sớm, sau khi đảng Tập hợp Quốc gia cực hữu của bà Marine Le Pen đánh bại đảng của ông Macron trong cuộc bầu cử EP.
Tổng thống Pháp Emmanuel và Đệ nhất Phu nhân Brigitte Macron tại điểm bỏ phiếu ở Le Touquet. Nguồn ảnh: Reuters
Tập trung vào chủ nghĩa dân tộc và phản đối người di cư, đảng Tập hợp Quốc gia được dự báo chiếm phần lớn trong số 81 ghế của Pháp tại Nghị viện Châu Âu, và gần gấp đôi so với phong trào Phục hưng của Tổng thống Macron.
"Đây không phải là kết quả tốt đối với các đảng bảo vệ Châu Âu," Tổng thống Pháp khẳng định. "Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc là mối đe dọa đối với nước Pháp và cả Châu Âu của chúng ta."
Giới quan sát đánh giá, quyết định tổ chức bầu cử trước thời gian được xem là một "canh bạc" đầy rủi ro với Tổng thống Macron và đảng của ông, vì đảng của bà Le Pen có thể mở rộng tầm ảnh hưởng.
Bà Le Pen cho biết: "Chúng tôi đã sẵn sàng thay đổi đất nước, bảo vệ quyền lợi của người dân Pháp và chấm dứt tình trạng nhập cư ồ ạt. Chúng tôi đã sẵn sàng khôi phục nước Pháp."
Nhiều cử tri Pháp đã tận dụng cuộc bầu cử Nghị viện Châu Âu lần này để thể hiện sự không hài lòng với chính phủ của ông Macron về quản lý kinh tế, các quy định về nông nghiệp và an ninh.
Tại Đức - quốc gia có nhiều ghế nhất tại Nghị viện Châu Âu, đảng Dân chủ Xã hội của Thủ tướng Olaf Scholz đã hứng chịu thất bại nặng nề nhất từ trước đến nay, khi đứng sau đảng cựu chữu Sự lựa chọn thay thế cho nước Đức AfD.
Dự báo cho thấy tỷ lệ ủng hộ AfD tăng lên 16,5% so với mức 11% trong lần bầu cử 2019. Trong khi đó, kết quả tổng hợp của 3 đảng trong liên minh cầm quyền ở Đức chỉ đạt gần 30%. Đảng Xanh của Đức - vốn đóng vai trò quan trọng trong chính sách khí hậu của Châu Âu cũng chứng kiến tỷ lệ ủng hộ sụt giảm.
Còn tại Italia, đảng Anh em cánh hữu của Thủ tướng Giorgia Meloni được dự báo giành hơn gấp đôi số ghế tại Nghị viện Châu Âu so với cuộc bầu cử năm 2019. Các chuyên gia nhận định điều này sẽ trao thêm quyền lực cho bà Meloni nhằm tác động đến các chính sách của EU.
Bà Meloni đã tái khẳng định việc bảo vệ biên giới và chống nhập cư bất hợp pháp. Bà cũng ủng hộ viện trợ cho Ucraina, không giống như Thủ tướng Hungary Viktor Orban - vốn chỉ trích EU và NATO đẩy các nước thành viên vào một cuộc xung đột toàn cầu.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9