(HTV) - Định giá đất được cho là một trong những điểm vướng mắc dẫn đến nhiều bất cập trong quy trình phát triển của nhiều dự án bất động sản hiện nay.
Hiện dự thảo sửa đổi Nghị định 44 và Thông tư 36 đang được Bộ Tài nguyên - Môi trường lấy ý kiến các bộ, ngành, cơ quan liên quan. Nhằm góp thêm những ý kiến đa chiều, xác đáng vào cơ chế xác định giá đất đai, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo khoa học với chủ đề “Định giá đất phù hợp để khơi thông dự án”.
Theo quan điểm của các Hiệp hội doanh nghiệp như Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội Thẩm định giá Việt Nam, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA),… cùng nhiều chuyên gia và các doanh nghiệp, về cả khoa học và thực tiễn, phương pháp “thặng dư” hiện vẫn đang được sử dụng rộng rãi trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Vì vậy, việc loại bỏ phương pháp này là không nên cả về lý luận và thực tiễn, khiến việc định giá đất quay trở về thời kỳ trước năm 2007. Điều này làm gia tăng khó khăn cho công tác định giá đất vốn dĩ đã rất phức tạp. Chưa kể, hệ lụy có thể lường trước là nhiều phân khúc của thị trường bất động sản nói riêng và các dự án đầu tư có liên quan đến đất đai nói chung vì thế sẽ không được định giá phù hợp, gây ra tình trạng tắc nghẽn thị trường trong điều kiện Việt Nam đang có nhu cầu phát triển dự án rất lớn.
Theo khảo sát của Bộ Xây dựng, hiên có hơn 50% dự án bất động sản đang gặp khó khăn, vướng mắc, triển khai chậm do khó xác định phương pháp định giá đất theo giá thị trường. Trong năm 2022, khó xác định mức giá "thị trường" cũng là nguyên nhân khiến nguồn cung bất động sản sụt giảm mạnh so với năm 2021. Việc loại bỏ phương pháp “thặng dư” trong định giá đất như dự thảo hiện nay được nhiều chuyên gia cho là chưa phù hợp cả về lý luận và thực tiễn.
Ông Lê Minh Kha - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Khách sạn Và Du lịch Thiên Thai chia sẻ: "Về phương pháp định giá thì theo tôi nên có nhiều phương pháp định giá trong nghị định để các địa phương có thể linh hoạt vận dụng tùy thời điểm và tình huống cụ thể để nó mở hơn và bám sát thực tiễn khách quan hơn. PP thặng dư vẫn rất hữu ích và theo quan điểm của chúng tôi là vẫn nên giữ lại trong nghị định sắp tới. Ở góc độ doanh nghiệp thì PP này cho phép chúng tôi tính toán giải quyết các bài toán về dòng tiền và chi phí dự án".
Ông Lê Minh Kha - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Khách sạn Và Du lịch Thiên Thai
Phía đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng phương pháp thặng dư là phương pháp có sai số lớn, thiếu chính xác dễ gây rủi ro cho người làm công tác định giá đất.
Theo Cục Trưởng Cục Quy Hoạch Và Phát Triển Tài Nguyên Đất (Bộ TN&MT) Đào Trung Chính, cho biết: "Nếu chúng ta không chặt chẽ thì ý chí chủ quan của người định giá là một, ý chí chủ quan của người lãnh đạo địa phương là hai, của người thẩm định giá là ba thì nó sẽ ảnh hưởng rất lớn vào kết quả định giá. Với tinh thần như vậy thì Bộ TN&MT đề nghị là trước mắt là chưa áp dụng chứ không chê đây không phải là khoa học".
Theo Cục Trưởng Cục Quy Hoạch Và Phát Triển Tài Nguyên Đất (Bộ TN&MT) Đào Trung Chính
Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các chuyên gia doanh nghiệp, Bộ TN&MT sẽ tổng hợp, trình Chính phủ xem xét trong thời gian sớm nhất nhằm đảm bảo hài hoà lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và nhà nước. Một số ý kiến thảo luận tại diễn đàn cũng cho rằng chính các thông tin dữ liệu đầu vào quyết định việc xác định giá đất có sát với thị trường hay không. Đây cũng là một vấn đề cần lưu ý trong hoạch định, quản lý đất đai hiện nay.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9