(HTV) - Chuẩn bị cho kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 15, chiều nay, Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức Hội thảo Góp ý Dự án Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).
Hội thảo do Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM Hà Phước Thắng chủ trì với sự tham dự của đồng chí Dương Ngọc Hải - Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM.
Qua 10 năm thi hành, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 bên cạnh những thành tựu đạt được, còn tồn tại những vướng mắc, bất cập và một số quy định chưa phù hợp với thực tiễn hiện nay. Vì vậy, các đại biểu đều thống nhất với sự cần thiết trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 để đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong tình hình hình mới.
Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM góp ý dự án Luật Tổ chức Tòa án (sửa đổi)
Đề nghị tên Luật mới ban hành là Luật tổ chức Tòa án nhân dân (năm 2024), ý kiến cho rằng: Dự thảo Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) bao gồm 9 chương 153 điều, trong đó: chỉ giữ nguyên 10 điều, sửa đổi, bổ sung 96 điều của Luật tổ chức Tòa án nhân dân 2014 và có 47 điều hoàn toàn mới. Điều này thể hiện việc tổ chức Tòa án nhân dân các cấp nhằm đáp ứng xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, hoàn thiện cơ quan xét xử của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghịa Việt Nam, hơn nữa, theo như dự thảo thì không thê sử dụng kỹ thuật lập pháp bằng cách ghi rõ tại mỗi điều là điêu được giữ nguyên, điêu được sữa đổi, bổ sung hay điều mới. Do đó, đề nghị tên Luật là Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024.
Điều 3 dự án Luật quy định nội hàm quyền tư pháp, việc bổ sung nội hàm quyền tư pháp vào dự thảo Luật là hết sức cần thiết, quan trọng, phù hợp với thông lệ quốc tế, do đó đại biểu tán thành cần quy định nội hàm quyền tư pháp trong dự thảo Luật, vì làm rõ được nội hàm quyền tư pháp sẽ là cơ sở để quy định đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án.
Về phân công thẩm phán,điều 135 quy định lựa chọn ngẫu nhiên Thẩm phán và Hội thẩm giải quyết vụ án, tuy nhiên, quy định này có một số bất cập. Có ý kiến cho rằng, nên quy định giao trách nhiệm cho Chánh án căn cứ vào trình độ, năng lực và khả năng của thẩm phán, hội thẩm để phân công xét xử cho phù hợp với từng vụ án, như thế sẽ đảm bảo chặt chẽ và dễ thực hiện.
Về xây dựng Tòa án điện tử: Theo báo cáo của Tòa án thì hệ thống Tòa án đang đứng trước những thách thức lớn như yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao, trách nhiệm ngày càng lớn; số lượng vụ việc phải giải quyết ngày càng tăng, với tính chất ngày càng đa dạng, phức tạp; yêu cầu nội luật hóa cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, giải quyết vụ việc có yếu tố nước ngoài phát sinh nhiều vấn đề mới. Thực trạng đó đang đặt ra yêu cầu phải nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động, đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng Tòa án điện tử. Vì vậy, các đại biểu nhất trí với quy định này.
Ngoài ra các đại biểu cũng góp ý về 1 số câu từ cần bỏ hoặc làm rõ nghĩa để đảm bảo tính chính xác, khoa học của Dự án Luật
Những ý kiến đóng góp của các đại biểu sẽ được tổng hợp trình Ủy ban thường vụ Quốc hội và Ban soạn thảo, hoàn thiện dự thảo Luật và trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 sẽ diễn ra vào tháng 5 tới.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9