(HTV) - Sau 4 tháng tăng trưởng liên tiếp, sang đến tháng 9, xuất khẩu có dấu hiệu chững lại khi giảm 4,1% so với tháng trước.
Tuy nhiên, do tốc độ giảm của xuất khẩu thấp hơn nhập khẩu nên 9 tháng đầu năm, cán cân thương mại vẫn nghiêng về xuất siêu với 21,68 tỷ USD.
Theo các hiệp hội doanh nghiệp, điểm sáng ở quý III là đơn hàng xuất khẩu của thị trường thế giới đã quay trở lại, tuy nhiên chủ yếu là đơn hàng ngắn hạn, còn đơn hàng dài hạn vẫn chưa nhiều. Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp đang nỗ lực tìm kiếm các đơn hàng, tận dụng từng cơ hội, đặc biệt là chinh phục các thị trường mới.
Sản phẩm sô-cô-la xuất khẩu sang nhiều thị trường
Dù ra mắt thị trường chỉ ít năm, trong đó có 2 năm chịu tác động bởi đại dịch, song đến nay, các sản phẩm sô-cô-la của Công ty Fancy Foods đã chinh phục được các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, đặc biệt là có những con số xuất khẩu khá lạc quan trong 9 tháng đầu năm.
"Hiện nay đang vào mùa cao điểm, mình đang cung cấp hàng cho các đối tác để chuẩn bị cho mùa cao điểm tết, dịp Noel", bà Chu Hội - Giám đốc kinh doanh Công ty Fancy Foods cho biết.
Tương tự, Phúc Sinh Group - doanh nghiệp chuyên sản xuất, chế biến thực phẩm như cà phê, gia vị có doanh số 9 tháng tăng gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù không duy trì được mức tăng đến 40% của nửa đầu năm, song đây là kết quả rất tích cực trong bối cảnh xuất khẩu ở các nước đều vướng khó.
Ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group trả lời phóng viên Đài truyền hình TP.HCM
"Chúng tôi đã làm nhiều chương trình xúc tiến thương mại, khám phá thị trường. Chúng tôi khai phá thị trường Trung Đông, riêng thị trường này tăng 10%. Sắp tới vào mùa cà phê, hồ tiêu, chúng tôi kỳ vọng 3 tháng cuối năm sẽ tăng thêm 10%, tính cả năm đạt 30% so với năm 2022", ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group kỳ vọng.
Chương trình "Xúc tiến thương mại" diễn ra ngày 30/9/2023 nhằm kết nối doanh nghiệp với các thị trường xuất khẩu tiềm năng
Tuy nhiên, đây chỉ là số ít các doanh nghiệp có được mức tăng trưởng dương trong bối cảnh sức cầu quốc tế còn yếu. Cộng đồng doanh nghiệp đang nỗ lực từng ngày, ít nhất là duy trì sản xuất, tuy nhiên, để có thể trụ vững và phục hồi, thì rất cần sự hỗ trợ về nhiều mặt như: Nguồn vốn, cơ chế chính sách, kết nối giao thương, xúc tiến thương mại.
Hiện nay, Bộ Công Thương đang tích cực triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi lớn nhất cho xuất nhập khẩu. Chẳng hạn như thay vì phải đến trực tiếp cơ quan quản lý nộp phí, doanh nghiệp có thể thực hiện thanh toán phí/lệ phí C/O bằng hình thức trực tuyến nhằm giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí phát sinh.
Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ tổ chức chuỗi sự kiện "Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế" với kỳ vọng tìm kiếm đối tác nhập khẩu hàng Việt; thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; đẩy mạnh phát triển xuất nhập khẩu thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9