Đồng yên vẫn mất giá bất chấp Nhật Bản chấm dứt lãi suất âm

MAI LAN - NHẬT MINH // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 12/4/2024, 07:00

(HTV) - Ngân hàng Trung ương Nhật Bản BOJ mới đây đã chấm dứt chính sách lãi suất âm sau 08 năm thực hiện. Lãi suất ngắn hạn được điều chỉnh lên mức 0-0,1%, thay vì âm 0,1% như trước đây.

Tuy vậy, đồng yên Nhật vẫn mất giá so với các tiền tệ khác sau quyết định của BOJ.

Đồng yên tại một nhà máy của Cục In ấn Nhật Bản ở Tokyo. Nguồn ảnh: Reuters

Lãi suất âm là mức lãi suất dưới 0%, được áp dụng khi nền kinh tế có dấu hiệu giảm phát mạnh. Nhật Bản là quốc gia cuối cùng trên thế giới bỏ lãi suất âm, qua đó chấm dứt thời kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ.

Trên lý thuyết, lãi suất âm nghĩa là người gửi tiền thay vì được nhận lãi sẽ phải chi trả phí cho các khoản tiết kiệm. Mục đích nhằm thúc đẩy người dân rút tiền khỏi ngân hàng mang đi đầu tư, kinh doanh thay vì tiết kiệm. Trong khi đó, các doanh nghiệp và cá nhân đi vay, không phải trả lãi cho các khoản vay của mình.

Người dân mua đồ tại một cửa hàng ở Tokyo. Nguồn ảnh: Reuters

Tuy nhiên, các hộ kinh doanh phụ thuộc vào nhập khẩu lại hoan nghênh quyết định của ngân hàng trung ương. Đồng yên yếu khiến các hộ kinh doanh gặp khó khăn do chi phí nhập khẩu cao.

Đồng Yên yếu khiến các hộ kinh doanh gặp khó khăn do chi phí nhập khẩu cao

Bất chấp việc BOJ tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2007, đồng yên của nước này vẫn mất giá so với so với các tiền tệ khác. Theo giới phân tích, việc giới chức Nhật Bản nâng lãi suất đã được dự báo từ trước và mức tăng cũng không đáng kể, đã khiến giá trị đồng tiền này liên tục yếu đi, trong đó có thời điểm xuống mức thấp nhất trong 34 năm qua.

Quyết định nâng lãi suất đã được dự báo từ trước, đặc biệt là sau khi các số liệu mới nhất về lạm phát và tiền lương được công bố. Lạm phát tại Nhật Bản đã vượt mục tiêu 2% hơn một năm qua.

Trong cuộc đàm phán lương vào tháng 03, các công ty lớn nhất của Nhật Bản như Toyota, Nippon Steel và Nissan đã đồng ý tăng lương của người lao động lên mức cao nhất trong 33 năm qua. Đà tăng lương mạnh mẽ được cho là có thể lan rộng đến các công ty vừa và nhỏ khác tại Nhật Bản.

Công nhân làm việc tại một nhà máy của Toyota ở Nhật Bản. Nguồn ảnh: Reuters

Theo các chuyên gia, do việc điều chỉnh tăng lãi suất quá dễ đoán nên thị trường đã phản ứng từ trước. Cho nên, khi thông báo được chính thức công bố, đồng yên không còn đà tăng nữa.

Dù ngân hàng trung ương đã nâng lãi suất, mức hiện tại vẫn rất thấp so với các nền kinh tế lớn khác trên thế giới. Lãi suất tại Mỹ hiện dao động ở mức 5,25-5,5%. Trong khi đó, con số này tại Liên minh châu Âu EU là 4%.

Tình trạng lãi suất thấp tại Nhật Bản khiến các nhà đầu tư lớn của nước này để tài sản ở nước ngoài nhằm có lợi nhuận cao hơn. Điều này khiến đồng yên không được hưởng lợi từ dòng tiền chảy về nước. Nhà đầu tư Nhật Bản hiện sở hữu hàng ngàn tỷ đôla Mỹ trái phiếu và tiền tệ nước ngoài.

Đồng yên mất giá mạnh làm tăng sức ép lên chính phủ Nhật Bản. Nguồn ảnh: Reuters

Bộ Tài chính Nhật Bản cho biết đang theo dõi sát sao diễn biến thị trường và sẽ hành động phù hợp, đồng thời "không loại trừ bất kỳ lựa chọn nào" để ứng phó với biến động quá mức của đồng yên.

Theo giới chuyên gia, nếu chính phủ Nhật Bản can thiệp vào thị trường tiền tệ, ngân hàng trung ương nước này sẽ bán các tài sản được định giá bằng đôla Mỹ mà cơ quan này đang nắm giữ, như trái phiếu chính phủ Mỹ, để mua đồng yên. Đây sẽ là lần đầu tiên kể từ năm 2022, chính phủ Nhật can thiệp vào thị trường tiền tệ.

Đồng yên Nhật giảm quá mức so với đồng đô la Mỹ có thể gây ra những hệ lụy cho nền kinh tế. Tuy nhiên, ở một góc độ khác, việc đồng yên giảm giá lại tạo ra sức hấp dẫn cho ngành du lịch Nhật Bản, thu hút lượng lớn du khách nước ngoài đến với đất nước được mệnh danh là xứ sở hoa anh đào.

Đồng yên yếu thu hút du khách nước ngoài đến Nhật Bản. Nguồn ảnh: AP

Khách du lịch đang đổ xô đến Nhật Bản, tận dụng việc đồng yên trượt giá khiến các kỳ nghỉ trở nên rẻ nhất trong nhiều thập niên. Họ không ngần ngại chi tiền cho các dịch vụ trong chuyến đi, và mua sắm nhiều mặt hàng khác nhau.

Theo số liệu thông kê, số lượng du khách tới Nhật Bản đã vượt mốc 2 triệu lượt người mỗi tháng kể từ tháng 06 năm ngoái, chủ yếu là nhờ đồng yên giảm giá. Trong năm 2023, nước này đã chào đón 25 triệu du khách - con số lớn nhất kể từ năm 2019.

Du khách đến Nhật Bản vượt mốc 2 triệu người mỗi tháng nhờ đồng yên giảm giá

Chính phủ Nhật Bản đã bắt đầu thảo luận phương án điều chỉnh luật liên quan đến miễn thuế tiêu dùng chủ yếu đối với người nước ngoài đến Nhật Bản du lịch hoặc công tác trong thời gian ngắn. Nỗ lực này nhằm tránh tình trạng lợi dụng chính sách miễn thuế để mua hàng giá rẻ sau đó quay vòng bán lại nội địa, gây thất thu thuế của chính phủ.

Hiện tại, có khoảng 53.000 cửa hàng trên khắp nước Nhật được phép bán hàng miễn thuế, tăng gấp 10 lần so năm 2013. Cùng với việc đồng yên thấp và các biện pháp kiểm soát biên giới đã được dỡ bỏ, nhu cầu mua hàng miễn thuế của du khách quốc tế đang gia tăng nhanh chóng. Điều này đòi hỏi sự cần thiết của việc kiểm soát hiệu quả để tránh tình trạng thất thu thuế tiêu dùng.

Dù vậy, cũng có ý kiến cho rằng việc thắt chặt các quy định về mua hàng miễn thuế, bao gồm kiểm tra toàn bộ sản phẩm trước khi xuất cảnh sẽ gây thêm phiền toái và làm giảm tính hấp dẫn của thị trường du lịch Nhật Bản vốn đang trên đà phục hồi mạnh mẽ từ sau đại dịch COVID-19.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: