Ninh Bình đã và đang trở thành điểm đến không thể bỏ qua của du khách trong và ngoài nước bởi cách làm du lịch bài bản với chiến lược xuyên suốt là phát triển du lịch xanh, bền vững.
Ninh Bình phát triển "du lịch xanh", bền vững để làm bệ đỡ cho các ngành, các lĩnh vực "tăng trưởng xanh"
Mới đây, Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường và Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức lễ khởi động dự án "Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam". Trong dự án này, UNDP đã chọn Ninh Bình và Quảng Nam là hai địa phương thí điểm áp dụng các giải pháp, sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa.
Không phải ngẫu nhiên Ninh Bình được lựa chọn để thí điểm dự án này bởi theo đánh giá chung của UNDP và Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Ninh Bình là địa phương từ nhận thức đến hành động của các cấp lãnh đạo, đến từng địa phương, từng người dân đều xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển "du lịch xanh", bền vững để làm bệ đỡ cho các ngành, các lĩnh vực "tăng trưởng xanh".
Quần thể danh thắng Tràng An đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới năm 2014 luôn là điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước
Từ những quyết sách phát triển du lịch bài bản, đúng hướng và bền vững
Trong mỗi giai đoạn phát triển, tỉnh Ninh Bình có những điều chỉnh chính sách, chiến lược phát triển phù hợp với điều kiện thực tế và nguồn lực đã có, trong đó du lịch luôn được xác định là lĩnh vực ưu tiên.
Năm 2001, Tỉnh ủy Ninh Bình đã ban hành Nghị quyết số 03 ngày 18/12/2001 về phát triển du lịch đến năm 2010. Đây được coi là nghị quyết chuyên đề đầu tiên về phát triển du lịch, trong đó xác định chuyển hướng chiến lược phát triển kinh tế từ "nâu" sang "xanh", chuyển từ công nghiệp vật liệu xây dựng sang phát triển du lịch.
Từ đó đến nay tỉnh luôn chú trọng bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử một cách tối đa để phục vụ cho du lịch. "Du lịch xanh" gắn khai thác với bảo tồn tính đa dạng của hệ sinh thái tự nhiên và các giá trị, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, là mục tiêu chủ đạo trong phát triển du lịch ở Ninh Bình.
Nghị quyết số 15-NQ/TU, ngày 13/7/2009, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình, về phát triển du lịch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, là cơ sở quan trọng cho sự phát triển của du lịch Ninh Bình; là động lực quan trọng để du lịch Ninh Bình phát triển vượt bậc trong hơn 10 năm qua.
Cùng với việc ban hành Nghị quyết 15 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 07/KH-UBND ngày 17/7/2009, triển khai chi tiết nội dung của Nghị quyết, không để sự quyết tâm đó nằm trên giấy tờ.
Từ một ngành du lịch non trẻ, du lịch Ninh Bình từng bước trở thành một ngành công nghiệp "không khói", phát triển bền vững gắn với "xanh hóa" trong khai thác và sử dụng tài nguyên du lịch, từ đó tạo ra các giá trị kinh tế mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương.
Trong những giai đoạn gần đây, Ninh Bình đã ban hành nhiều nghị quyết, quyết định, chương trình phát triển du lịch. Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII (nhiệm kỳ 2020-2025) xác định, đầu tư hạ tầng phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn là một trong 3 khâu đột phá chiến lược, tạo hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ; chuyển công nghiệp khai thác vật liệu xây dựng sang phát triển du lịch, tạo mô hình tăng trưởng "xanh".
Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 29/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch Ninh Bình giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045. Kết luận số 07-KL/TU ngày 12/5/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 17/8/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An trong phát triển du lịch.
Đến nay, các địa phương trong tỉnh Ninh Bình luôn quan tâm, chú trọng và tích cực bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử; khoanh vùng cấm khai thác đá vôi, khai thác rừng đặc dụng trên núi đá.
Quan điểm đó giúp Ninh Bình thu hút được nhiều nhà đầu tư phát triển các khu, điểm du lịch thành điểm đến "an toàn - thân thiện - hấp dẫn" như: Khu du lịch sinh thái Tràng An, Khu du lịch sinh thái Tam Cốc - Bích Động; Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long; Vườn quốc gia Cúc Phương, vườn chim Thung Nham, chùa Bái Đính.
Công tác đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, văn minh du lịch tại các khu, điểm du lịch, các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình luôn được đảm bảo.
Tỉnh Ninh Bình luôn nằm trong top các tỉnh là điểm sáng về an ninh, an toàn, bảo đảm vệ sinh môi trường. Thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành để phát hiện chấn chỉnh, xử lý hoặc kịp thời các sai phạm trong kinh doanh du lịch.
Phát triển du lịch bài bản, bền vững tạo động lực cho các ngành, lĩnh vực khác phát triển, Ninh Bình tự hào trở thành tỉnh tự cân đối ngân sách, giảm bớt gánh nặng cho Trung ương.
Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình cho biết, chiến lược xuyên suốt của Ninh Bình là phát triển du lịch xanh, phát triển du lịch bền vững và dựa vào cộng đồng. Để thực hiện được mục tiêu này cần phải dựa vào 3 trụ cột chính là: Người dân, doanh nghiệp và nhà nước.
"Chúng tôi có chiến lược cụ thể để triển khai từng bước một, khi đầu tư phát triển du lịch phải tôn trọng giá trị tự nhiên, tôn trọng giá trị lịch sử văn hóa của địa phương một cách tối đa. Từ đó, chúng tôi giữ gìn, bảo vệ cảnh quan môi trường để tạo ra tài nguyên phát triển bền vững sản phẩm du lịch", ông Bùi Văn Mạnh chia sẻ.
Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình cho biết thêm, hiện nay, Ninh Bình đang đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp trong việc giữ gìn bảo vệ môi trường. Ninh Bình được đánh giá là mô hình điểm về bảo đảm hài hòa giữa phát triển và bảo vệ tài nguyên môi trường.
Thứ nhất, người dân được coi là trung tâm để phát triển du lịch xanh, phát triển bền vững. Khi bạn đến với Tràng An hay bất kỳ điểm du lịch nào ở Ninh Bình sẽ thấy việc giữ gìn, bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp đều do người dân thực hiện.
Thứ hai là ý thức của doanh nghiệp khi đầu tư tôn tạo các điểm du lịch hay các di tích lịch sử văn hóa đều phải tôn trọng tối đa yếu tố tự nhiên, yếu tố lịch sử văn hóa để phục dựng lại cũng như phát triển các sản phẩm dịch vụ phù hợp với điều kiện tự nhiên và bảo vệ tài nguyên môi trường ở từng địa điểm đó.
Nguồn: Chinhphu.vn
>>> Xin mời quý vị đón xem chương trình thời sự của HTV lúc 20G mỗi ngày trên HTV