Du Xuân mọi miền: tham quan Đại Nội và Làng hoa giấy trăm tuổi tại Huế

TẤN KHOA - MỸ LINH - XUÂN HẠO - THIỆN TÙNG - KIM LOAN - TRÚC QUỲNH // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 9/2/2024, 17:00

(HTV) - Tết cổ truyền là một trong những nét đẹp văn hóa truyền thống quan trọng nhất của dân tộc Việt Nam. Mỗi vùng miền lại có những phong tục tập quán đón Tết riêng biệt, tạo nên sự đa dạng và phong phú cho ngày Tết Việt.

Du xuân Cố đô Huế: Trải nghiệm Tết cổ truyền trong tà áo cổ phục 

Huế - mảnh đất cố đô, từ lâu đã nổi tiếng với những giá trị văn hóa lịch sử lâu đời. Vào dịp Tết cổ truyền, Huế khoác lên mình một vẻ đẹp khác biệt, rực rỡ và lộng lẫy hơn bao giờ hết.

Điểm đến đầu tiên trong hành trình du xuân Huế là Đại nội, nơi lưu giữ những giá trị lịch sử và văn hóa triều Nguyễn. Tại đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc nguy nga tráng lệ, những vườn hoa rực rỡ sắc màu, và đặc biệt là những hình ảnh con Rồng độc đáo - biểu tượng của sức mạnh và sự thịnh vượng.

Một trong những trải nghiệm đặc biệt nhất là hòa mình vào dòng người du xuân tại Đại nội Huế khoác lên mình bộ cổ phục truyền thống - di sản văn hóa đặc trưng của cố đô - là một cảm xúc vô cùng khó tả. Du khách dường như được quay ngược thời gian, trở về với một thời kỳ vàng son của lịch sử dân tộc.

Bên cạnh đó, du khách cũng có cơ hội thưởng thức những món ăn đặc sản của Huế trong dịp Tết như: bánh tét, bánh chưng, nem lụi, chả Huế,... Những món ăn này không chỉ mang hương vị thơm ngon mà còn chứa đựng những giá trị văn hóa truyền thống của người dân Huế.

Theo PGS. TS Phan Thanh Bình - nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Nghệ thuật Huế cho biết: “Con Rồng thời Nguyễn nó được làm rất nhiều chất liệu, khoảng độ 15 -16 chất liệu. Trong đó thì có nhiều chất liệu rất quý như đá, đồng. Con Rồng thời Nguyễn thì kế thừa được cả 1 dòng chảy của con Rồng phong kiến Việt Nam, nên là tích tụ trong đó những cái giá trị nhân văn, triết lý phương đông rất là sâu sắc”.

Dịp Tết năm nay, đến với Đại nội Huế, du khách sẽ có dịp tham quan thêm 2 cung điện sau thời gian dài trùng tu là điện Thái Hòa và điện Kiến Trung.

Điện Kiến Trung bị đánh sập hoàn toàn vào năm 1947, nay đã được phục hồi

Trong đó, điện Thái hòa là ngôi điện lớn nhất, đẹp nhất với vị trí trang trọng nhất, được coi là trái tim của hoàng thành Huế, nơi đặt ngai vàng của nhà vua.

Giám đốc Sở du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phúc chia sẻ rằng, những năm gần đây tỉnh đã tổ chức triển khai một số hoạt động trong một khu vực hoàng cung. Điều này thứ nhất là cũng giúp cho cộng đồng địa phương và du khách biết thêm về văn hóa, đặc biệt là văn hóa cung đình triều Nguyễn. Thứ hai là cũng tạo được một cái ấn tượng cho du khách trong và ngoài nước khi đến với cố đô Huế.

 Những bông hoa làm bằng giấy đầy màu sắc được tạo ra bởi những nghệ nhân ở làng hoa giấy Thanh Tiên như tô điểm thêm sắc xuân cho mảnh đất Cố đô Huế

Với các chất liệu sẵn có tại địa phương cùng đôi bàn tay khéo léo và sự sáng tạo không ngừng nghỉ, các nghệ nhân tại đây đã làm ra được những bông hoa giấy tuy mỏng manh bề ngoài nhưng lại chứa đựng bên trong ý nghĩa rất lớn về các phẩm chất và đạo đức của con người. Và cứ mỗi dịp Tết như thế này thì hầu như trong từng ngôi nhà ở xứ Huế này, các bông hoa giấy đều được trưng bày ở nơi trang trọng nhất.

Ở Huế vào những ngày cuối năm, người dân cũng như du khách không khó để thấy sự hiện diện của những cây hoa giấy Thanh Tiên rực rỡ sắc màu được bày bán khắp các chợ. Hình ảnh những chong hoa giấy đầy màu sắc rực rỡ báo hiệu một mùa xuân mới đang về.

 >>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

 

Ý kiến của bạn: