Ngày 12/7, Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) công bố khuôn khổ an ninh quốc tế dài hạn cho Ucraina nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của nước này trong cuộc xung đột với Nga.
Nhóm G7 cho biết trong tuyên bố ngày 12/7: "Hôm nay, chúng tôi đang khởi động các cuộc đàm phán với Ucraina để chính thức hóa sự hỗ trợ lâu dài của chúng tôi trong lúc Ucraina đang bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình, thông qua các cam kết an ninh và các thỏa thuận song phương phù hợp với khuôn khổ đa phương này, cũng như phù hợp với các yêu cầu pháp lý và Hiến pháp tương ứng của chúng tôi".
Sự kiện về Tuyên bố Chung Hỗ trợ Ucraina có sự tham dự của các lãnh đạo nhóm G7, Liên minh Châu Âu (EU) và Ucraina, trong Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Vilnius, Litva ngày 17/7/2023. Nguồn ảnh: Reuters
Kế hoạch của nhóm G7 cung cấp một khuôn khổ để các quốc gia đơn lẻ có thể thông qua các thỏa thuận song phương với Ucraina về những vũ khí mà các nước này sẽ cung cấp và những phản ứng mà các nước này sẽ đưa ra trong trường hợp Nga tăng cường các biện pháp tấn công. Khuôn khổ cũng tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán song phương liên quan đến hỗ trợ tài chính và chia sẻ thông tin tình báo.
Phát biểu trong buổi lễ công bố tài liệu khuôn khổ về các cam kết an ninh, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết: "Chúng tôi sẽ giúp Ucraina xây dựng tiềm lực phòng thủ vững chắc trên bộ, trên không và trên biển".
Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng nhóm G7 và liên minh quân sự NATO cam kết hỗ trợ Ucraina lâu dài. Nguồn ảnh: Reuters
Đổi lại, Ucraina đưa ra các cam kết về cải cách chính phủ, trong đó có cải cách tư pháp và kinh tế và sự tăng cường về tính minh bạch. Tổng thống Volodymyr Zelensky hoan nghênh "sự hỗ trợ chưa từng có và thiết thực" đối với Ucraina, gọi đây là "một thắng lợi về mặt an ninh" đối với Kiev.
Nhà lãnh đạo Ucraina phát biểu tại sự kiện: "Hôm nay, Ucraina đã nhận được những cam kết về an ninh trên chặng đường gia nhập NATO. Những cam kết này sẽ được mở rộng hơn nữa thông qua các thỏa thuận với các đối tác quan trọng của chúng tôi".
Trước đó, vào ngày 11/7, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) tuyên bố trong hội nghị thương đỉnh tại Vilnius, Litva rằng tương lai của Ucraina nằm trong liên minh quân sự này, nhưng NATO từ chối lời kêu gọi của ông Zelensky về khung thời gian trở thành thành viên. Tổng thống Ucraina bày tỏ sự thấu hiểu rằng không thể trở thành thành viên NATO khi xung đột vẫn còn đang diễn ra.
Tổng thống Ucraina Volodymyr Zelensky hoan nghênh "thắng lợi về mặt an ninh" tại sự kiện của nhóm G7 về Tuyên bố Chung Hỗ trợ Ucraina. Nguồn ảnh: Reuters
Người phát ngôn Điện Kremli Dmitry Peskov cho rằng việc nhóm G7 đưa ra những cam kết an ninh đối với Ucraina là một sai lầm và tiềm ẩn nguy hiểm do những cam kết này xâm phạm an ninh của Nga: "Bằng cách cung cấp bất kỳ đảm bảo an ninh nào cho Ucraina, các quốc gia này trên thực tế đã cho thấy sự coi thường nguyên tắc quốc tế về an ninh không thể chia cắt".
Theo nhóm G7, vốn bao gồm Mỹ, Đức, Nhật Bản, Pháp Canada, Italia và Anh, các quốc gia khác cũng có thể ký kết theo khuôn khổ của nhóm G7 để đưa ra những cam kết của mình. Theo Thủ tưởng Tây Ban Nha Pedro Sanchez, những quốc gia khác đã tham gia khuôn khổ trên có Tây Ban Nha, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Iceland, Na Uy, Đan Mạch, Ba Lan và Cộng hòa Séc.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9