Giá dầu thế giới tăng gần 6% do lo ngại xung đột lan rộng ở Trung Đông

CHÍ HIẾU - NHẬT MINH // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 14/10/2023, 16:42

(HTV) - Giá dầu thế giới đã tăng gần 6% kết thúc phiên giao dịch tuần qua, trong đó dầu Brent ghi nhận mức tăng hàng tuần cao nhất kể từ tháng 02/2023 do các nhà đầu tư lo ngại xung đột có nguy cơ lan rộng ở Trung Đông.

Giá dầu Brent tương lai tăng 4,89 đô la Mỹ, tương đương 5,7%, lên mức 90,89 đô la Mỹ/thùng. Tương tự, dầu WTI tăng 4,78 đô la Mỹ, tương đương 5,8%, lên mức 87,69 đô la Mỹ/thùng.

Mức tăng phần trăm theo ngày của 2 loại dầu này là cao nhất kể từ tháng 4/2023. Mức tăng theo tuần của dầu Brent trong tuần qua là 7,5%, lớn nhất kể từ tháng 2/2023, còn dầu WTI tăng 5,9%.

Cuộc xung đột Hamas - Israel ít ảnh hưởng đến nguồn cung dầu khí toàn cầu và Israel cũng không phải là nhà sản xuất lớn. Tuy nhiên, các nhà đầu tư đang đánh giá mức độ leo thang xung đột và ảnh hưởng của nó đối với các nguồn cung từ các quốc gia lân cận như Iran và Ả Rập Xê-út - những nước sản xuất dầu hàng đầu thế giới.

Giếng dầu Khurais của Ả Rập Xê-út. Nguồn ảnh: AP

Nếu Mỹ siết chặt các lệnh trừng phạt đối với hoạt động xuất khẩu dầu của Iran vì vai trò của Tehran trong xung đột, nguồn cung dầu từ nước này có thể suy giảm.

Trong khi đó, hai nguồn tin thân cận với chính quyền Ả Rập Xê-út cho biết, nước này đang tạm dừng các kế hoạch bình thường hóa quan hệ với Israel do Mỹ làm trung gian, báo hiệu sự thay đổi nhanh chóng trong các ưu tiên về chính sách đối ngoại khi xung đột leo thang. Điều này có thể ảnh hưởng đến nguồn cung từ Ả Rập Xê-út, dù mới đây theo tờ Wall Street Journal thì Ả Rập Xê-út nói với Mỹ rằng sẵn sàng tăng sản lượng dầu vào năm tới để đảm bảo thỏa thuận.

Một yếu tố khác thúc đẩy giá dầu là hành động của Mỹ trong ngày 12/10 áp đặt các biện pháp trừng phạt đầu tiên với các chủ tàu chở dầu Nga có giá cao hơn mức trần 60 đô la Mỹ/thùng đã được G7 áp đặt từ tháng 12 năm ngoái. Nga là nước sản xuất dầu nhiều thứ hai thế giới và cũng là một nhà xuất khẩu lớn, nên việc Mỹ giám sát chặt chẽ hoạt động xuất khẩu của nước này có thể làm giảm nguồn cung.

Trong tuần qua, tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã giữ nguyên dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu, sau các dấu hiệu cho thấy nền kinh tế thế giới trong năm nay vẫn đang đối mặt với suy thoái, và nhu cầu ở nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới là Trung Quốc dự kiến sẽ tăng lên.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: