Giá lúa gạo tăng từng ngày, doanh nghiệp chật vật gom hàng

THU HIẾU - ANH ĐỨC // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 7/8/2023, 14:32

(HTV) - Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ban hành Chỉ thị 24 về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay.

Chỉ thị yêu cầu xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, trục lợi bất chính, đẩy giá lúa gạo lên cao bất hợp lý, gây bất ổn thị trường trong nước, uy tín của thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế. Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành có những giải pháp hỗ trợ chuỗi sản xuất - mua bán lúa gạo, các tỉnh thành bảo đảm diện tích đất chuyên trồng lúa, mục tiêu sản xuất trên 43 triệu tấn lúa/năm, các thương nhân phải liên kết với vùng trồng lúa.

Cần nhiều giải pháp hỗ trợ chuỗi sản xuất - mua bán lúa gạo

Lúc này, vấn đề nóng được nhắc đến nhiều nhất, chính là chuỗi liên kết bền vững trong sản xuất lúa gạo. Hiện giá lúa tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long ở mức cao nhất trong 15 năm qua, trên thị trường thế giới, giá gạo Việt Nam đang cao hơn các nước cạnh tranh trực tiếp là Thái Lan, Ấn Độ. Thời cơ xuất khẩu đang đi kèm với thách thức về an ninh lương thực. 

Giá gạo Việt Nam đang cao hơn các nước cạnh tranh trực tiếp là Thái Lan, Ấn Độ

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu 5% tấm giao dịch ở mức 618 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 598 USD/tấn, đứng đầu thế giới, cao hơn giá gạo cùng chủng loại của Thái Lan và Ấn Độ. Những tưởng diễn biến này là cơ hội lớn cho gạo Việt Nam nâng cao vị thế, tuy nhiên, khó khăn đang chồng chất.

"Ký được 600 USD thấy mừng thì ngày mai lên 620 USD, ngày kia 650 USD, hiện giá là 680 USD nhưng khách vẫn chấp nhận. Ký thời điểm nào cũng lỗ". Bà Huỳnh Thị Bích Huyền - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xuất nhập khẩu Ngọc Quang Phát cho biết.

Bà Huỳnh Thị Bích Huyền - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xuất nhập khẩu Ngọc Quang Phát

Ngày 6/8/2023 ở vùng ĐBSCL, giá gạo nguyên liệu tăng 100 đồng/kg, lên mức 12.100 đồng/kg, gạo thành phẩm ở mức 14.100 đồng/kg. Vụ Thu Đông đã thu hoạch hết, giá lúa Hè Thu thì liên tục biến động mạnh.

Theo khảo sát của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong số 180 doanh nghiệp có đủ điều kiện xuất khẩu gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long, chỉ 50 doanh nghiệp có ký liên kết với hợp tác xã, tương đương 37% sản lượng gạo; 130 doanh nghiệp tự mua tự bán, tương đương với 50% sản lượng thông qua thương lái, dẫn đến cạnh tranh. 

Bà Võ Phương Thủy - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp cho biết: "Tỷ lệ liên kết vùng lúa gạo bền vững khoảng 25% diện tích lúa toàn tỉnh. Mấu chốt của vấn đề là phải có liên kết để thời điểm khó doanh nghiệp không bỏ người dân và hiện nay người dân cũng chia sẻ với doanh nghiệp".

Bà Võ Phương Thủy - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp

Không có gạo trữ, không có vùng nguyên liệu cố định, thu mua trôi nổi, đó là nguyên nhân gây ra tình trạng giá lúa biến động mạnh những ngày qua. Trước tình hình này, Bộ Công Thương vừa có văn bản hỏa tốc gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về phối hợp triển khai công tác bình ổn thị trường lúa gạo. 

Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng khó lường. Nền sản xuất ổn định chính là điểm mạnh và cũng là sứ mệnh của các quốc gia ưu thế về sản xuất lương thực như Việt Nam. Chuỗi cung ứng càng ngắn, càng chủ động sẽ giúp gạo Việt mở rộng thị trường, nông dân trồng lúa an tâm gắn bó với ruộng đồng hơn.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: