Giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu trong cả năm 2024

NGỌC QUÍ - VĨNH TIẾN - THU HẢI - ANH DUY // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 6/1/2024, 12:06

(HTV) - Nghị quyết số 42/2023 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành, kéo dài thời gian giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong cả năm 2024.

Thuế bảo vệ môi trường giảm 50% giúp doanh nghiệp giải bài toán chi phí trong bối cảnh hiện nay

Mức giảm là 50% so với mức trần Biểu khung thuế, được kì vọng giúp giá xăng, dầu diễn biến tích cực trong năm nay. Động thái này được cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia và người dân đánh giá cao khi cho thấy nỗ lực của nhà điều hành chính sách, nhằm thiết thực chia sẻ một phần bài toán chi phí của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. 

Doanh nghiệp đặt nhiều kì vọng cho mục tiêu kinh doanh năm 2024

Với các đơn vị vận tải, chi phí xăng, dầu chiếm từ 20 - 30% tổng chi phí vận hành. Doanh nghiệp cho biết, trong giai đoạn giá xăng dầu tăng, doanh nghiệp phải tự cắt giảm chi phí hoạt động để bù vào phí nhiên liệu. Do đó, trong năm nay, doanh nghiệp sẽ đặt nhiều kì vọng cho mục tiêu kinh doanh của họ.

Về mức thuế:

- Thuế bảo vệ môi trường đối với xăng trừ etanol giảm còn 2.000 đồng/lít. 

- Thuế bảo vệ môi trường đối với Nhiên liệu bay, dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn giảm còn 1.000 đồng/lít.

- Thuế bảo vệ môi trường của dầu hỏa giảm còn 600 đồng/lít

Theo ông Nguyễn Nhật Nguyên - Giám đốc Kinh doanh - Marketing Công ty Vận chuyển Thương mại Biển Xanh (Blue Sea) cho biết “Đây thật sự là sự lắng nghe, cầu thị của Chính phủ, góp phần hỗ trợ cho doanh nghiệp rất nhiều. Hiện tại chi phí cho xăng dầu hàng tháng rất lớn nên khi thuế bảo vệ môi trường giảm được 50% như vậy thì sẽ giúp cho doanh nghiệp kéo giảm chi phí từ 15 - 20 triệu mỗi tháng cho một xe đầu kéo”.

Chiến lược giảm chi phí và đối phó với biến động giá xăng dầu trong du lịch

Giá xăng dầu có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến cuộc sống của người dân và hoạt động, sự phát triển của doanh nghiệp. Bên cạnh chính sách tiền tệ là việc giảm lãi suất thời gian qua thì việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu lần này được xem là chính sách tài khóa cần thiết để đồng hành và giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong bối cảnh kinh tế còn nhiều thách thức khó lường như hiện nay. 

Việc giảm thuế bảo vệ môi trường là cần thiết để doanh nghiệp vượt qua khó khăn khi kinh tế còn nhiều thách thức

“Thật sự ở góc độ doanh nghiệp thì việc Chính phủ giảm thuế như vậy là một sự cầu thị rất lớn, nhưng kinh tế hiện nay dự báo để phát triển trở lại thì có thể phải chờ đến 2025. Cho nên, nếu giảm khoản thuế này cả 2024 và 2025 thì sẽ tạo bệ phóng tốt hơn cho doanh nghiệp bởi trong 2, 3 năm nay, doanh nghiệp đã phải gồng gánh rất nhiều cho chi phí xăng dầu, nhân lực, cơ sở vật chất, hạ tầng”, ông Nguyên cho biết thêm.

Về phía Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền - Chuyên gia Kinh tế cũng chia sẻ 3 từ khóa cho vấn đề này “Cơ bản là trong 3 từ khóa. Thứ nhất là mở rộng tài khóa, tức là giảm thuế, phí, tăng đầu tư công để kích thích DN làm ăn. Thứ hai chính là chính sách tiền tệ để mang vốn đến doanh nghiệp thông qua giảm lãi suất, mở room tín dụng. Thứ ba là lấy niềm tin ở nhà đầu tư, thắt chặt lại kĩ cương, đảm bảo mọi người làm ăn chân chính để nhà đầu tư an tâm đầu tư”

Theo tính toán của Bộ Tài chính, dự kiến số thu thuế bảo vệ môi trường sau giảm 50% giảm khoảng 38.900 tỉ đồng, cũng kéo giảm nguồn tổng thu ngân sách nhà nước. Song, trong bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước vẫn còn bất định, đây được xem là "sự hy sinh" cần thiết để tạo động lực cho DN trụ vững, phát triển, hướng đến ổn định kinh tế vĩ mô.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

Ý kiến của bạn: