(HTV) - Là quốc gia phát thải khí nhà kính thông qua vận tải đường bộ cao thứ nhì Đông Nam Á, Việt Nam có dư địa lớn để "xanh hóa" ngành ô tô; tuy nhiên, chi phí đầu tư cho loại hình công nghiệp này là thách thức đối với nhiều doanh nghiệp hiện nay.
Đây là ý kiến của nhiều chuyên gia tại Hội thảo Giảm phát thải ngành ô tô: "Nhiều lối đi - Một đích đến" được tổ chức tại Hà Nội.
Chi phí đầu tư cho loại hình công nghiệp này là thách thức đối với nhiều doanh nghiệp hiện nay
Theo thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 6,5 triệu ô tô và 74 triệu xe máy. Tốc độ tăng phát thải bằng phương tiện đường bộ bình quân trong vòng 10 năm khoảng 15%/năm, cao hơn rất nhiều so với xu hướng kiểm soát và cắt giảm phát thải ở nhiều quốc gia. Do đó, xanh hóa ngành ô tô tại Việt Nam không chỉ là một xu hướng mà còn là một đòi hỏi tất yếu để hướng tới sự phát triển bền vững.
Theo Tiến sĩ Hà Quang Anh - Giám đốc Trung tâm Phát thải Carbon Thấp, Cục Biến đổi Khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, đây là dịp chúng ta chuyển sang sử dụng một công nghệ mới hơn, tiến bộ hơn, ít phát thải hơn, chúng ta gọi là công nghệ xanh, thân thiện môi trường. Thứ hai là chúng ta có cơ hội để nhìn nhận đóng góp trong vấn đề chung của toàn cầu là giảm phát thải.
Giảm phát thải ngành ô tô hướng đến phát triển bền vững
Thực tế, Việt Nam có một thị trường lớn để có thể phát triển ô tô điện và xe máy điện, đồng thời cũng có nguồn tài nguyên đất hiếm để sản xuất pin. Nhưng yêu cầu đặt ra là việc xây dựng chính sách phải rõ ràng, thống nhất, các cơ chế khuyến khích, ưu đãi cần cụ thể, mang tính dài hạn, ổn định. Bên cạnh những thuận lợi về hạ tầng, chính sách và nhu cầu ngày càng tăng, việc phát triển giao thông xanh hiện cũng đang gặp phải nhiều khó khăn và thách thức như quy hoạch phát triển trạm sạc tại các đô thị chưa hợp lý, đặc biệt là vấn đề quỹ đất khiến cho các nhà đầu tư khó triển khai.
Thực tế, Việt Nam có một thị trường lớn để có thể phát triển ô tô điện và xe máy điện
Ông Võ Minh Lực - Giám đốc Điều hành BYD Việt Nam cho biết, ông nghĩ rằng nếu chính quyền địa phương có thể hỗ trợ bằng cách đơn giản hóa các thủ tục, quy trình rõ ràng, từ bước đầu tiên đến các giấy tờ cần thiết, và cung cấp hướng dẫn cụ thể hơn về đầu tư trạm sạc thì quá trình này sẽ diễn ra nhanh hơn. Đặc biệt, nếu có thể giải quyết được các vấn đề về phòng cháy chữa cháy và kết nối điện một cách dễ dàng, thì sẽ có nhiều nhà đầu tư sẵn sàng tham gia và việc phát triển trạm sạc sẽ diễn ra rất nhanh.
Xanh hóa ngành ô tô tại Việt Nam hiện nay không chỉ là một xu hướng mà còn là một đòi hỏi tất yếu để hướng tới sự phát triển bền vững. Những giải pháp chiến lược từ việc xây dựng cơ sở hạ tầng sạc điện, khuyến khích đầu tư vào công nghệ sản xuất ô tô điện, hay việc triển khai các chính sách hỗ trợ người tiêu dùng, đều đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi này.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9