Giao lưu Áo dài Việt Nam và hoa vải Tsumami Nhật Bản

Bảo Châu 13/3/2018, 15:58

Sáng nay (13/3), Buổi giao lưu "Áo dài Việt Nam và hoa vải Tsumami" nhằm giới thiệu về nét đẹp của hoa vải Nhật Bản kết hợp với áo dài Việt Nam đã diễn ra tại Nhà văn hóa phụ nữ TP.HCM.

Chương trình giao lưu lần này là món quà tinh thần quý báu mà nhân dân hai nước Việt - Nhật trao tặng cho nhau nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia.

Ông Kawaue Junichi - Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM phát biểu trong buổi giao lưu

Với buổi giao lưu thực hành sáng này, nghệ thuật hoa vải Tsumami của Nhật Bản đã có cơ hội chinh phục trái tim bạn bè Việt Nam, cũng như hình ảnh áo dài Việt Nam đã đi vào trái tim của nhiều người dân xứ sở Phù Tang trong nhiều năm qua. Buổi giao lưu "Áo dài Việt Nam và hoa vải Tsumami" có sự góp mặt của: ông Kawaue Junichi - Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM, nghệ nhân Takahashi Masayuki cùng các nghệ nhân trong đoàn, ông Huỳnh Minh Thiện - Chủ tịch Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị TP.HCM, bà Phan Bích Hường - Giám đốc Nhà Văn hóa Phụ nữ TP.HCM, các đại diện của Hội hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản TP.HCM cùng nhiều bạn bè Việt Nam, Nhật Bản. ​ ​ 


​Nghệ nhân Takahashi Masayuki cùng các thành viên trong đoàn trình diễn cách tạo tác hoa vải


Khách mời trải nghiệm thực hành gấp hoa vải theo nghệ thuật Tsumami 

Dịp này, họa sĩ - nhà thiết kế Sĩ Hoàng lần đầu tiên dùng 2 loại hoa vải Tsumami của Nhật Bản để trang trí lên áo dài Việt Nam. Áo dài hoa anh đào sẽ được trưng bày tại Bảo tàng Áo dài ở TP.HCM, còn áo dài hoa cúc sẽ được trưng bày tại công ty của nghệ nhân Takahashi Masayuki ở Tokyo như một sự giao lưu văn hóa nghệ thuật giữa hai nước.​ ​ ​ ​ ​​​ ​ ​​


Áo dài đính hoa cúc vải của Nhà thiết kế Sĩ Hoàng sẽ được trao tặng để trưng bày tại công ty của nghệ nhân Takahashi Masayuki ở Tokyo

Nghệ thuật làm hoa vải Tsumami là môn nghệ thuật gấp vải Nhật Bản, dùng những miếng vải vuông được gấp một cách khéo léo, tạo ra các món nữ trang và đồ trang trí tuyệt đẹp. Nghệ thuật Tsumami bắt đầu phát triển vào thời kỳ Edo (1603 - 1868) và được sử dụng để trang trí cho trâm cài tóc (kanzashi), tôn thêm vẻ đẹp cho người phụ nữ khi mặc kimono. Họa tiết trang trí thường là các loại hoa phản ánh các chủ đề truyền thống và vẻ đẹp tự nhiên của Nhật bản như cúc, hoa anh đào... Hiện tại, các mẫu thiết kế dần trở nên đa dạng, đa sắc và sáng tạo hơn với màu sắc và phong cách hiện đại, nhưng vẫn phản ánh được nét tinh tế riêng biệt của loại hình nghệ thuật này.

Ý kiến của bạn: