Giáo sư - Bác sĩ René D. Esser - Đi để trở về

Kim Quyên 15/5/2023, 08:41

Là một trong những chuyên gia về chấn thương chỉnh hình hàng đầu tại Pháp và Mỹ, Giáo sư - Bác sĩ René D. Esser đã "tái sinh" hàng nghìn cuộc đời người bệnh bằng y đức và tài năng của mình.

Giáo sư - Bác sĩ René D. Esser là con thứ 4 trong một gia đình có 11 người con, bố mẹ ông đều là người Việt. Dù gia đình sang định cư ở Pháp từ khi ông mới 1 tháng tuổi nhưng gia đình ông vẫn nói tiếng Việt và sinh hoạt theo phong cách của người Việt. Do đó, tình cảm của ông dành cho quê hương rất lớn. Ông chia sẻ: "Từ khi còn đi học, tôi đã có ước mong trở thành bác sĩ để sau này được trở về Việt Nam chữa bệnh cho người dân quê hương".


Sau khi tốt nghiệp trường y ở Pháp, ông đã làm việc ở rất nhiều nơi trên thế giới để tích lũy, học hỏi kinh nghiệm trước khi trở về Pháp làm việc. Ông nguyên là trưởng khoa chấn thương chỉnh hình tại Đại học Stanford (Mỹ), Bệnh viện Markgroeningen (Đức) và Bệnh viện Tupua Tamasese Meaole (Samoa). Đến năm 2007, ông chính thức có cơ hội trở về Việt Nam để trực tiếp khám, chữa bệnh cho các bệnh nhân nghèo.


Trong nhiều năm qua, bác sĩ René D.Esser thường thu xếp và tự bỏ tiền túi để từ Pháp về nước khám và phẫu thuật miễn phí cho bệnh nhân bị các bệnh về xương khớp tại nhiều bệnh viện ở Việt Nam. Nói về việc khám, chữa bệnh cho bệnh nhân nghèo, ông cho biết: "Hầu hết các bệnh nhân của tôi đều nghèo. Họ đã được mổ nhiều lần trước đó nhưng không giải quyết được tình trạng bệnh tật. Tôi thấy mình cần phải làm điều gì đó cho họ nên việc bỏ tiền túi để đi lại giữa Pháp và Việt Nam đối với tôi không có gì to tát cả. Có những bệnh nhân tôi mổ hơn 10 năm vẫn còn liên hệ với tôi dù đã khỏi bệnh. Đó là niềm vui và động lực để tôi tiếp tục cống hiến".

Bên cạnh công tác chuyên môn, Giáo sư - Bác sĩ René D. Esser rất thích đọc sách và viết sách. Ông cho biết bản thân gần như tôn thờ sách. Ông đọc tất cả các thể loại sách với nhiều thứ tiếng khác nhau. "Rất nhiều học trò của tôi đến nhà tôi đọc sách thay vì đến thư viện. Riêng sách y khoa, trước khi mổ, tôi lấy sách đọc. Mổ xong rồi, tôi lại lấy phần đó ra đọc lại và tự so sánh. Cứ như vậy, tôi ngấm từng câu một. Do đó, nhiều cuốn sách tôi gần như thuộc lòng từ đầu đến cuối. Hơn thế nữa, để thỏa mãn đam mê đọc sách, tôi cũng tìm hiểu và sử dụng thành thạo 5 ngôn ngữ khác nhau". - Ông hào hứng chia sẻ về đam mê của mình.

Chia sẻ về ngành y tế tại Việt Nam, ông cho biết: "Tôi may mắn được lớn lên, học tập và làm việc ở một đất nước phát triển, có cơ hội đi học hỏi kinh nghiệm y khoa tiến bộ ở nhiều quốc gia trên thế giới nên tôi muốn chia sẻ kiến thức cũng như kinh nghiệm của mình đến các bác sĩ Việt Nam, góp phần giúp họ nâng cao tay nghề trong điều trị, nhất là đối với những ca bệnh khó. Tôi thấy rằng, các bác sĩ Việt Nam học rất giỏi nhưng để thực sự thành công, họ phải chịu khó đọc sách, phải chịu tìm hiểu, chịu khổ và phải quyết tâm đi đến cùng của sự việc".

Tạp chí Văn nghệ - 8g30 Chủ Nhật hàng tuần trên kênh HTV7.

Ý kiến của bạn: