(HTV) - Kinh đô điện ảnh thế giới - Hollywood - đang rúng động vì cuộc đình công của các biên kịch. Họ là những người đóng vai trò then chốt trong ngành công nghiệp này, nhưng theo họ, là đang bị các hãng phim đối xử và trả lương bất công.
Cuộc đình công đã tạo sức ép lớn lên các dự án phim điện ảnh - truyền hình đang trong giai đoạn tiền sản xuất.
Từ đầu tháng 5, cuộc đình công của Hiệp hội Biên kịch Mỹ, đại diện cho khoảng 11.500 biên kịch, đã diễn ra tại Hollywood, bang California. Các biên kịch yêu cầu đóng các chương trình truyền hình đêm khuya, tăng lương cao hơn trước, và hạn chế sử dụng trí tuệ nhân tạo trong viết kịch bản.
Ngày 6/5, đội ngũ biên kịch của loạt phim truyền hình "Stranger Things" tuyên bố đình công cho tới khi đạt được một thỏa thuận công bằng. Một nguồn tin từ Netflix sau đó cũng xác nhận mùa thứ 5 siêu lớn, và cũng là phần cuối cùng của loạt phim, bị hoãn sản xuất vô thời hạn.
Không chỉ "Stranger Things", hàng trăm, thậm chí là hàng ngàn chương trình truyền hình và dự án phim ở Hollywood đang có nguy cơ “đắp chiếu” khi các thành viên của Hiệp hội Biên kịch Mỹ (WGA) đình công trên diện rộng.
Hàng ngàn biên kịch đồng loạt ngừng làm việc vào ngày 02/5, sau khi cuộc đàm phán của WGA với Liên minh các nhà sản xuất phim và truyền hình, trong đó có những “ông lớn” như Disney và Netflix, không đi đến nhất trí.
Trong bản hợp đồng năm 2023 mà WGA đề xuất, có 3 điểm lưu ý chính.
Thứ nhất, áp dụng thỏa thuận mức lương tối thiểu cho những biên kịch thuộc mảng phim phát trực tuyến.
Thứ hai, bắt buộc hãng phim thuê một số lượng biên kịch tối thiểu cho mỗi dự án (dù cần thiết hay không).
Và thứ ba, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng công nghệ A.I.
Bản hợp đồng này được WGA ước tính sẽ đem về 429 triệu đô la Mỹ để trả lương cho biên kịch thay vì bản hợp đồng mà Liên minh các nhà sản xuất đưa ra, là 86 triệu đô la.
Các biên kịch cho biết họ đang gặp khó khăn tài chính trong thời kỳ bùng nổ truyền hình trực tuyến. Theo thống kê của WGA, 50% số biên kịch phim truyền hình hiện làm việc với mức lương tối thiểu. Trong khi đó, thù lao trung bình cho những cây viết kì cựu đã giảm 4% trong 10 năm qua.
Nghiệp đoàn này cho hay các hãng phim đã lợi dụng quá trình chuyển đổi sang phát trực tuyến để cắt giảm lương của biên kịch và thắt chặt tiền tác quyền. Các công ty từ chối xem viết kịch bản là một công việc toàn thời gian, thay vào đó, ấn định viết lách là nghề tự do và chỉ trả tiền theo ngày.
WGA đang tính toán sự minh bạch về lượng người xem từ các nền tảng phát trực tuyến, từ đó tăng mức lương trung bình cho các biên kịch và tăng độ ổn định trong hợp đồng làm việc.
Hiện tại, cuộc đình công đang ảnh hưởng nặng nề đến túi tiền của một số hãng phim. Toàn bộ ngành công nghiệp giải trí Hollywood đã mất khoảng 10 tỷ đô la Mỹ giá trị cổ phiếu sau ngày đầu tiên của cuộc đình công. Các chương trình tối như The Late Show, Jimmy Kimmel hay The Tonight Show bị ảnh hưởng đầu tiên do lịch trình hàng đêm và tính chất thời sự. Những chương trình này đang phải chiếu lại các tập cũ trong lúc chờ cuộc khủng hoảng qua đi.
Bị ảnh hưởng tiếp theo là các bộ phim truyền hình dài tập, thường có lịch trình sản xuất liên tục.
Các bộ phim phát hành tại rạp cũng có thể bị ảnh hưởng. Trong khi lịch phát hành ra rạp trong 6 tháng đầu năm 2024 gần như vẫn được giữ nguyên, thì các bộ phim từ nửa sau năm 2024 có thể sẽ gặp khó khăn vì quá trình sản xuất có nguy cơ bị trì hoãn từ quý 3 năm nay sang năm sau.
Báo Guardian nhận định cuộc đình công sẽ khiến kinh đô điện ảnh lớn nhất thế giới rơi vào hỗn loạn, việc sản xuất nhiều chương trình truyền hình bị đình trệ, trì hoãn hoặc có khi phải hủy bỏ vì không có nhân lực làm việc.
Các thành viên của WGA biểu tình trước các hãng sản xuất. Nguồn: The Independent
Trong khi đó, theo tờ New York Times, làn sóng đình công không chỉ dẫn đến sự đình trệ trong việc sản xuất phim, chương trình truyền hình. Việc này nếu kéo dài sẽ gây tổn hại nền kinh tế địa phương, đặc biệt đối với những người lao động hỗ trợ sản xuất, chẳng hạn tài xế, bộ phận phụ trách phục trang, nhà cung cấp thực phẩm, thợ mộc, và nhiều người khác.
Hồi tháng 11/2007, cuộc bãi công kéo dài 100 ngày của 12.000 nhà biên kịch đã gây thiệt hại cho nền kinh tế California hơn 2 tỷ đô la Mỹ.
Trong khi đó, giám đốc điều hành các hãng phim cho biết họ có những vấn đề riêng và đây không phải thời điểm thích hợp để tăng lương cho nhân viên. Trên thực tế, nhiều hãng phim, công ty giải trí đang gặp khó khăn tài chính. Walt Disney đã phải sa thải 4.000 nhân viên. Warner Bros. Discovery thì đang gồng mình trả khoản nợ 50 tỷ đô la Mỹ.
Các nhà biên kịch của Hollywood cũng lên tiếng về một vấn đề mà họ cho là không thể chấp nhận được. Đó là trí tuệ nhân tạo A.I có khả năng thay thế con người trong sáng tác. Họ khẳng định: nghệ thuật không phải là máy móc, vì A.I không có trí óc và trái tim. Liên minh các nhà sản xuất phim và truyền hình đã bác bỏ hầu như tất cả các đề xuất của Hiệp hội biên kịch về việc tăng lương. Đề xuất duy nhất mà họ đồng ý xem xét và nghiên cứu là quy định về trí tuệ nhân tạo (A.I).
Theo đó, WGA đề xuất cho phép người viết sử dụng ChatGPT và các công cụ A.I khác để viết kịch bản điện ảnh và phim truyền hình, chỉ có điều tư liệu do A.I tạo ra sẽ không được coi là "tư liệu văn học" hoặc "tư liệu gốc”.
Nghiệp đoàn muốn có các biện pháp bảo vệ để ngăn các hãng phim sử dụng A.I tạo ra các kịch bản mới từ tác phẩm trước đó của các biên kịch. Họ cũng không muốn phải viết lại các bản nháp do A.I tạo ra.
Mặc dù trong thời điểm hiện tại, A.I có thể chưa có đủ khả năng để đe dọa đến quá trình làm việc của các biên kịch, điều khoản mới của WGA được đánh giá là một bước đi đón đầu để đối mặt với những thay đổi trong tương lai.
>>> Xin mời quý vị đón xem chương trình thời sự của HTV lúc 20G mỗi ngày trên HTV9