Hoạt hình và kỹ xảo: Xu hướng cho thị trường Việt Nam

QUỲNH TRÂM - HOÀNG LINH // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 13/4/2024, 15:20

(HTV) - Trong khuôn khổ Liên hoan phim Quốc tế TP.HCM lần thứ nhất năm 2024, Hội thảo “Hoạt hình và kỹ xảo: Cơ hội thị trường toàn cầu” đã thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp, đặc biệt là các bạn trẻ muốn tìm hiểu về ngành nghề này.

Hội thảo “Hoạt hình và kỹ xảo: Cơ hội thị trường toàn cầu” 

Hiện nay, Việt Nam là điểm đến thu hút sự quan tâm của các khách hàng đối tác nước ngoài với những dự án phim và kỹ xảo diện ảnh (Visual Effect - VFX), với số lượng studio và đội ngũ nhân lực đang có sự tăng dần.

Tuy nhiên, các bạn trẻ hiện nay chủ yếu làm công việc này vì đam mê, chưa qua đào tạo bài bản nên dù rất giỏi nhưng cũng chỉ là cá nhân đơn lẻ, khách hàng hay đối tác khó tìm kiếm và tiếp cận. Đó cũng chính là nguyên nhân Hiệp hội Hoạt hình và kỹ xảo Việt Nam (Vava) ra đời.

Hội thảo “Hoạt hình và kỹ xảo: Cơ hội thị trường toàn cầu” 

Ông Lê Anh Dy - Chủ tịch Hiệp hội Hoạt hình và Kỹ xảo Việt Nam (VAVA) cho biết, khi được kết hợp bằng một tổ chức thì sẽ có cơ hội được nắm bắt những dự án lớn không chỉ trong nước mà cả thế giới vì đó là bảo chứng cho chất lượng của nguồn nhân lực ngành kỹ xảo.

Không thể phủ nhận hiệu ứng mà kỹ xảo đã mang lại, góp phần làm nên những tác phẩm điện ảnh, hoạt hình kinh điển. Theo các chuyên gia, tại Việt Nam, ngành kỹ xảo vẫn chưa có sự phát triển đột phá tương xứng với tiềm năng, vì những đóng góp của ngành vẫn chưa được biết đến rộng rãi, được cộng đồng ghi nhận.

Và quan trọng nhất, cần có sự đào tạo, đầu tư bài bản chuyên nghiệp cho nguồn nhân lực, nhất là đối với các bạn trẻ.

Theo các chuyên gia, ngành kỹ xảo Việt Nam vẫn chưa có sự phát triển đột phá tương xứng với tiềm năng

Theo đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh, đối với những cảnh bình thường thì được thu vào ống kính, nhưng có những cảnh, những ý tưởng, những câu chuyên không thể kể bằng hình ảnh máy quay bình thường thì chỉ có thể là kỹ xảo mới mang lại hiệu ứng tốt nhất.

Ông Đinh Trí Dũng - Giám đốc Học viện Kỹ xảo Điện ảnh và Hoạt hình (MAAC) chia sẻ, niềm tin là ngành này sẽ phát triển và đi đầu trong công nghiệp, giải trí, các bạn trẻ muốn làm nghề này cần có sự kiên nhẫn vì các bạn trẻ hiện nay muốn học nhanh, làm nhanh nhưng ngành này cần có sự đào tạo bài bản và lâu dài.

Với số lượng Việt Nam đang có 54 studio hoạt hình và 48 studio kỹ xảo tính đến thời điểm này cho thấy đây vẫn là ngành khá non trẻ, tuy nhiên với sự quan tâm, đào tạo bài bản, sự hỗ trợ của các chuyên gia, những người có kinh nghiệm, cọ xát, tiếp cận thực tế trong lĩnh vực này, chắc chắn, ngành hoạt hình và kỹ xảo Việt Nam sẽ bắt kịp với xu hướng phát triển và thu hút được nhiều dự án, khách hàng, đối tác nước ngoài quan tâm.

 

Ý kiến của bạn: