Khởi công xây dựng nhà máy đốt rác phát điện đầu tiên của TP.HCM

MINH NGỌC // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 20/7/2024, 23:00

(HTV) - Ngày 20/7, nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa chính thức khởi công xây dựng giai đoạn 1 tại tại xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi, TP.HCM. Dự kiến đưa vào khai thác cuối năm 2025.

Tập đoàn Bamboo Capital (chủ đầu tư dự án) cho biết: Giai đoạn 1 dự án sẽ xây dựng phần móng và giằng móng của các hạng mục: Tổ hợp công trình lò đốt phát điện rác, nhà điều hành, nhà ăn và nhà nghỉ nhân viên tại dự án. Các giai đoạn sau sẽ được cấp phép cùng với tiến độ xây dựng và tiến độ hoàn thành thủ tục pháp lý.

Công suất xử lý của giai đoạn này là 2.000 đến 2.600 tấn rác/ngày đêm. Sản sinh ra lượng điện khoảng 60 MW/ngày. Dự kiến sản lượng điện phát lên lưới hằng năm khoảng 365 triệu kWh/năm.

 Ông Phạm Minh Tuấn - Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Bamboo Capital, kiêm Tổng Giám đốc điều hành BCG Energy cho biết, công nghệ lõi sử dụng cho nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa là SUS-Hitachi Zosen Vonroll hiện đại bậc nhất hiện nay, đã được sử dụng tại hàng trăm nhà máy điện rác trên thế giới. Công nghệ này là lựa chọn tối ưu với đặc trưng rác thải sinh hoạt tại Việt Nam đa phần chưa qua tiền xử lý, có độ ẩm cao, nhiệt trị thấp. Hoạt động xử lý rác của nhà máy hoàn toàn khép kín, khí thải ra môi trường được xử lý an toàn và hoàn toàn không gây ảnh hưởng đến đời sống người dân.

 Sau khi được đốt bằng công nghệ SUS-Hitachi Zosen Vonroll, rác thải sẽ giảm được phần lớn thể tích và khối lượng, nhiệt lượng tạo ra từ quá trình đốt trở thành điện năng phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Lượng tro xỉ còn lại sau khi đốt rác là loại chất thải không độc hại có thể sản xuất thành vật liệu xây dựng. Lượng nước thải phát sinh trong quá trình nhà máy vận hành được thu gom, xử lý khép kín và tái sử dụng để làm mát hệ thống máy móc trong nhà máy.

 Phát biểu tại lễ khởi công, Phó chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường cho biết: Việc xây dựng nhà máy này nằm trong mục tiêu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Theo đó TP.HCM phấn đấu thực hiện chỉ tiêu "Tỉ lệ công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ mới hiện đại (đốt phát điện) và tái chế đạt ít nhất 80% đến năm 2025, hướng tới năm 2030 đạt 100%".

 TP.HCM cũng đã kiến nghị và được Quốc hội thông qua cơ chế đặc thù về đặt hàng bổ sung khối lượng chất thải rắn sinh hoạt. HĐND TP.HCM cũng đã ban hành nghị quyết số 28 năm 2023 để khuyến khích các nhà đầu tư đang thực hiện dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt nâng công suất và chuyển đổi công nghệ xử lý sang công nghệ đốt phát điện. 

 “Đây là dự án đốt rác phát điện đầu tiên được xây dựng trên địa bàn TP.HCM cũng là một trong những dự án đầu tiên được thực hiện theo Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù cho TP.HCM. Tôi tiếp tục giao nhiệm vụ cho Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở ngành tiếp tục hỗ trợ cho nhà đầu tư hoàn thiện các thủ tục trong quá trình xây dựng, khai thác, vận hành nhà máy để đảm bảo hoàn thành trong 18 tháng. Trong khu Liên hợp xử lý chất thải rắn này còn 01 nhà máy tương tự của Vietstar, đang hoàn thiện các thủ tục còn lại, đề nghị các sở ngành tiếp tục quan tâm hỗ trợ để có khởi công ngay trong tháng 7/2024” -  Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường nói.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường phát biểu tại lễ khởi công

Việc khởi công xây dựng nhà máy đốt rác phát điện đánh dấu sự hưởng ứng tích cực, nỗ lực, cầu thị của những doanh nghiệp đang xử lý rác sinh hoạt cho TP.HCM trong giải quyết các vấn đề về môi trường theo hướng phát triển bền vững; hướng tới năm 2030 đạt 100% công nghệ xử lý rác thu hồi năng lượng. 

 >>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: