(HTV) - Trong cơ cấu trái phiếu doanh nghiệp chỉ có 6% thị trường là trái phiếu phát hành ra công chúng, còn lại tới 94% trái phiếu trên thị trường là trái phiếu phát hành riêng lẻ.
Trái phiếu doanh nghiệp là một trong những kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế. Tuy nhiên, trong cơ cấu trái phiếu doanh nghiệp chỉ có 6% thị trường là trái phiếu phát hành ra công chúng, còn lại tới 94% trái phiếu trên thị trường là trái phiếu phát hành riêng lẻ. Cơ cấu này gây ra nhiều vướng mắc về tính minh bạch, tính thanh khoản của thị trường.
Hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã đi vào vận hành, tạo ra nhiều sự kỳ vọng cho việc lấy lại niềm tin của nhà đầu tư, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Trước đây, trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chỉ được giao dịch OTC, tức các bên mua - bán đơn thuần tự tìm đến nhau và thỏa thuận giá dựa trên nhu cầu của các bên tại thời điểm đó.
Còn hiện nay, trái phiếu được giao dịch trên sàn trong thời gian hoạt động tương tự thị trường cổ phiếu. Hệ thống hiện hỗ trợ 2 loại lệnh là thỏa thuận điện tử và thỏa thuận thông thường.
Các phương thức để doanh nghiệp có thể tham gia thị trường trái phiếu thuận lợi
Sau hàng loạt cú sốc của năm 2021 và 2022, quan điểm đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các thành viên thị trường đã thay đổi ít nhiều. Điều này sẽ tác động mạnh mẽ đến sức hấp dẫn của kênh trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian tới.
Anh Võ Quang Anh - Nhà dầu tư chia sẻ: "Khi có sàn giao dịch thì có cơ hội cho nhà đầu tư mua bán, tạo tiền đề cho thị trường minh bạch, nhiều nhà đầu tư tham gia hơn".
Chị Trần Tuyết Vân - Nhà đầu tư cho rằng: "Cơ quan quản lý quản lý được chất lượng doanh nghiệp, đảm bảo an toàn cho nhà đầu tư. Việc giao dịch cũng thuận lợi hơn cho nhà đầu tư, trước đây chủ yếu phụ thuộc vào công ty chứng khoán riêng lẻ, giờ thì nhà đầu tư có thể tự tìm hiểu".
Ông Trương Hiền Phương - Giám đốc Cấp cao CTY Chứng khoán KIS Việt Nam cho biết: "Các doanh nghiệp sẽ có cơ hội huy được nguồn vốn nhanh và nhiều hơn so với tín dụng ngân hàng".
Ông Trương Hiền Phương - Giám đốc Cấp cao CTY Chứng khoán KIS Việt Nam
"Cần phải khuyến khích các doanh nghiệp công khai minh bạch thông tin để tạo niềm tin với nhà đầu tư. Cơ quan quản lý cũng cần có thêm các biện pháp để hỗ trợ thị trường", Ông Phương nói thêm.
Sau ngày giao dịch bùng nổ đầu tiên với 1.781 tỷ đồng, những ngày sau thanh khoản khá thấp. Một phần lý do là vì chỉ mới có 3 đơn vị là Vietcombank, Vinfast và Tracodi niêm yết 19 mã trái phiếu.
Ông Lê Anh Trí - Giám đốc Chi nhánh Quận 3, CTY Chứng khoán Phú Hưng (PHS) chia sẻ: "Trong thời gian tới khi có nhiều sản phẩm được đưa lên sàn thì sẽ giúp cho thị trường sôi nổi hơn, tại vì hiện nay số mã khá ít".
Ông Lê Anh Trí - Giám đốc Chi nhánh Quận 3, CTY Chứng khoán Phú Hưng (PHS)
Trái phiếu doanh nghiệp là sân chơi của nhà đầu tư chuyên nghiệp với bản chất là nhà đầu tư cho doanh nghiệp vay nợ. Do đó, nhà đầu tư cần phải tìm hiểu kỹ về doanh nghiệp trước khi quyết định xuống tiền. Bởi dù có thêm sàn giao dịch tiện lợi, minh bạch hơn thì bản chất trái phiếu doanh nghiệp vẫn là một sản phẩm đầu tư, mà quy luật đầu tư: lợi nhuận cao đồng nghĩa rủi ro sẽ lớn.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9