Lễ công bố quyết định xếp hạng di tích, bảo tàng

PHƯƠNG MAI - MINH KHOA - PHONG TRẦN // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 27/11/2023, 17:45

(HTV) - Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với Hội Di sản Văn hóa TP.HCM tổ chức Lễ công bố quyết định xếp hạng di tích, bảo tàng và trao giải Hội thi “Phát huy giá trị di sản Văn hóa Hồ Chí Minh”.

Hoạt động diễn ra tại Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TP.HCM, nhằm chào mừng Ngày di sản văn hóa Việt Nam.

Nhà thiếu nhi thành phố có 3 khối nhà lớn nằm trong khuôn viên công trình biệt thự cổ kiểu Pháp được xây dựng từ năm 1927, gắn liền nhiều thời kỳ phát triển của TP.HCM. Công trình vừa được xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp thành phố là khối nhà cổ nằm phía đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. 

Nhà Thiếu nhi Thành phố được xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp thành phố

Đây sẽ là một trong những di tích để thiếu nhi thành phố đến học tập và vui chơi. Đặc biệt nơi đây còn có không gian Bác Hồ với thiếu nhi được khánh thành năm 2021. Thời gian qua, không gian này đã hút rất đông các em thiếu nhi, tạo điều kiện cho các em có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ chí Minh.

Cùng với Nhà Thiếu nhi Thành phố, tại buổi lễ còn có 2 di tích nữa là Căn cứ Gò Môn – huyện Củ Chi và Bệnh viện Mắt Thành phố được trao quyết định và bằng xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh cấp Thành phố. 

Dịp này thành phố cũng vinh dự có 01 bảo tàng được nâng hạng loại I là Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, và 03 bảo tàng là Bảo tàng Lịch sử Thành phố; Bảo tàng TP.HCM và Bảo tàng Mỹ Thuật Thành phố tiếp tục giữ hạng loại I. Đây là nỗ lực của đội ngũ quản lý di tích và bảo tàng trong công cuộc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc. 

Đây là nỗ lực của đội ngũ quản lý di tích và bảo tàng trong công cuộc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc

TP.HCM hiện có 188 di tích được xếp hạng và 17 bảo tàng cả công lập và tư nhân. Công tác quan tâm tôn tạo, khai thác giá trị văn hóa từ các công trình này đang ngày một hiệu quả hơn, trở thành điểm đến yêu thích của nhiều du khách trong và ngoài nước khi đến với thành phố. Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều di tích chưa được công nhận, dẫn đến việc bảo tồn còn khó chứ chưa nói đến tôn tạo.

Việc xếp hạng thêm ngày càng nhiều các di tích kiến trúc lịch sử văn hóa sẽ là cơ sở để các cấp chính quyền cũng như người dân sinh sống gần các khu vực có di tích có ý thức gìn giữ và khai thác có hiệu quả di tích trong thời gian tới.

Về vấn đề này, theo bà Lê Tú Cẩm - Chủ tịch Hội Di sản TP.HCM: "Việc bảo tồn các kiến trúc cổ giữa lòng đô thị rất khó tách rời khỏi dòng chảy đô thị. Mà chúng ta lại vẫn chưa có một cơ chế chính sách đặc thù nào để hiện thực hóa công cuộc bảo tồn di tích giữa lòng đô thị này."

Ông Trần Thế Thuận - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM cho biết: "Trong giai đoạn mới, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố đã thường xuyên khảo sát thực tế, đánh giá hiện trạng các di tích, đẩy mạnh công tác tu bổ, phục hồi di tích; triển khai các bước theo quy định để thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa Thành phố để huy động tối đa mọi nguồn lực trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa. Các quận, huyện đã chủ động xây dựng, ban hành quy chế về quản lý các cơ sở tín ngưỡng, di tích trên địa bàn quản lý."

Kết thúc buổi lễ, Ban tổ chức cũng đã tặng Giấy khen cho 1 tập thể và 16 cá nhân đạt giải Hội thi “Phát huy giá trị di sản văn hóa Hồ Chí Minh”. Hội thi đã góp phần nâng cao lòng tự hào về nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh, nâng cao nhận thức về xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh, thống nhất từ tư tưởng đến hành động, để xứng đáng là người dân sống trong thành phố được mang tên Người.

Tặng Giấy khen cho 1 tập thể và 16 cá nhân đạt giải Hội thi “Phát huy giá trị di sản văn hóa Hồ Chí Minh”

 

Ý kiến của bạn: