Lễ Khai hạ - Cầu an Xuân Giáp Thìn 2024

PHƯƠNG THANH - TẤN HOÀNG // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 16/2/2024, 20:10

(HTV) - Sáng nay 16/02, nhằm mùng 7 tháng Giêng năm Giáp Thìn, Quận Bình Thạnh đã tổ chức Lễ hội Khai hạ - Cầu an tại Lăng Đức Tả quân Lê Văn Duyệt.

Đây là điểm nhấn sinh hoạt văn hóa đã được hình thành và tồn tại lâu đời trong đời sống các tầng lớp nhân dân Nam bộ và TPHCM, với ý nghĩa cầu mong mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an và kỳ vọng một năm mới công việc thuận lợi, hanh thông.

Đoàn lãnh đạo dự lễ Khai hạ - Cầu an

Đến dự lễ có các đồng chí Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư thường trực Thành ủy TPHCM; Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM; Nguyễn Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cùng đại diện các Sở ban ngành, quận huyện, TP. Thủ Đức cùng đông đảo người dân và du khách.

Theo Ban Quản lý Di tích Lịch sử văn hóa Quốc gia lăng Lê Văn Duyệt, Lễ hội diễn ra vào mùng 7 tháng Giêng hàng năm tại Lăng Đức Tả quân Lê Văn Duyệt với các nghi thức tế, lễ được tổ chức theo nghi thức tế lễ cung đình triều Nguyễn. Lễ này xuất phát từ lúc Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt còn tại vị Tổng trấn cai quản thành Gia Định. Ông chọn ngày mùng 7 Tết là ngày Khai hạ, được xem là nghi thức kết thúc mọi hoạt động vui chơi trong Tết Nguyên đán, mọi người trở lại nhịp sinh hoạt hằng ngày.

Tổ chức Lễ hội Khai hạ - Cầu an tại Lăng Đức Tả quân Lê Văn Duyệt

Lễ hội được tổ chức theo bốn phần gồm: Hạ nêu, khai hạ, khai bút và khai ấn. Lễ được bắt đầu bằng nghi thức hạ cây nêu. Theo phong tục truyền thống, cây nêu dựng lên để trừ tà, không cho ma quỷ đến nhà, gia đình ăn Tết được bình yên. Trước đó, vào ngày 30 Tết, sau khi cúng thần (tức Tả quân Lê Văn Duyệt) tại sân Lăng, lễ dựng nêu diễn ra đánh dấu một năm kết thúc, đồng thời báo hiệu Xuân về, Tết đến.

Sau nghi thức hạ nêu, Ban Quý tế tiếp tục thực hiện nghi thức khai hạ rước lễ vào điện thờ và thực hiện dâng hương, dâng rượu, đọc văn khấn nguyện cho các bậc tiền nhân, cầu an quốc gia thịnh trị. Tiếp theo là nghi thức khai bút đầu Xuân. viết những nét chữ đầu tiên để chúc những điều tốt lành trong năm mới, đồng thời thể hiện sự quý trọng chữ nghĩa, đề cao sự học, tôn trọng công ơn thầy. Đây là một tập tục tốt đẹp, một nét văn hóa truyền thống của người Việt, được nhân dân gìn giữ phát huy mãi mãi về sau.

 Đây là một tập tục tốt đẹp, một nét văn hóa truyền thống của người Việt

Và cuối cùng là nghi thức Khai Ấn Tả quân đầu năm mới. Đây là một trong năm chiếc Ấn đồng đầu tiên của Triều đại Gia Long được đúc vào năm 1802, được Đức Tả quân Lê Văn Duyệt sử dụng trong suốt thời gian Ngài cầm binh quyền từ 1802 đến 1832, sau đó thất lạc cho đến năm 1981 được tìm thấy. Đây cũng là chiếc Ấn duy nhất còn lại cho đến nay và được đề nghị công nhận là bảo vật quốc gia.

Theo ông Dương Tấn Khanh - Trưởng phòng Văn hoá Thông tin quận Bình Thạnh. Đây là 1 trong những lễ hội mang sắc thái dân gian đậm đà bản sắc dân tộc. Có nhiều hoạt động phong phú như hát bội, hát tuồng, tiệc cung đình để tôn vinh các bậc tiền bối trong quá trình khai phá vùng đất Gia Định này. Người dân có thể đến xin lộc đầu năm, nhận lời chúc tết năm mới bình yên và chiêm ngưỡng nhiều tiết mục chầu hát bội diễn ra sống động, tinh tế, sâu sắc.

Nhiều năm qua, Lễ hội Khai hạ - Cầu an đầu năm tại Lăng Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt đã thu hút hàng nghìn lượt người tham dự không chỉ tại TP.HCM mà còn từ các tỉnh, thành phố khu vực Nam Bộ. Lễ hội được tổ chức để cầu mong mưa thuận, gió hòa và kỳ vọng một năm mới công việc thuận lợi, làm ăn hanh thông, thể hiện sức mạnh đoàn kết của nhân dân trong lao động, sinh hoạt và bảo vệ đất nước.

 Lễ hội Khai hạ - Cầu an đầu năm tại Lăng Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt đã thu hút hàng nghìn lượt người tham dự

Đức Tả quân Lê Văn Duyệt (1764 - 1832), thời vua Gia Long (1802 - 1820) và vua Minh Mạng (1820 - 1841), là người đã có công mở mang, phát triển vùng đất phía Nam của Tổ quốc, đặc biệt là Sài Gòn - Gia Định. Khi còn giữ chức Tổng trấn thành Gia Định, dưới sự quản lý, điều hành tài tình về kinh tế và quân sự của ông, người dân nơi đây được sống trong an bình, no ấm.

Tả quân Lê Văn Duyệt hay cùng người dân trong vùng thực hiện các nghi lễ cầu cho mưa thuận gió hòa. Để học tập tinh thần trung quân ái quốc, phẩm chất chính trực, công bằng, người dân TP.HCM đã đến xin ấn Tả quân về treo trong nhà như nhắc nhở con cháu noi gương ông và để cầu cho một năm làm ăn thuận buồm xuôi gió.

Cùng với lễ hội Nghinh Ông (huyện Cần Giờ) và Tết Nguyên Tiêu (Quận 5), lễ Khai hạ - Cầu an tại Lăng Đức Tả quân Lê Văn Duyệt là lễ hội truyền thống thứ ba tại TP.HCM được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia vào năm 2022. Đây được xem là một di sản văn hóa quan trọng của vùng đất Gia Định  Sài Gòn xưa và TP.HCM ngày nay.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: