Ngày Quốc khánh Việt Nam là ngày lễ chính thức của Việt Nam, diễn ra vào ngày 02 tháng 9 hằng năm. Do đó, các quy định về việc treo Quốc kỳ là chủ đề mà rất nhiều người dân quan tâm.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn độc lập
Những dịp người dân cần treo Quốc kỳ
Theo thông tin từ Mục II Điều lệ về việc dùng Quốc kỳ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa do Thủ tướng ban hành năm 1956 quy định Quốc kỳ chỉ treo ngoài nhà những ngày tết và ngày lễ sau đây: Tết Nguyên đán dương lịch, Tết Nguyên đán âm lịch, Kỷ niệm tổng tuyển cử: 6 tháng 1, Ngày Quốc tế lao động: 1 tháng 5, Kỷ niệm sinh nhật Chủ Tịch Hồ Chí Minh: 19 tháng 5, Kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám: 19 tháng 8, Ngày Quốc Khánh: 2 tháng 9. Thế nên, ngày Quốc Khánh 2 tháng 9 là một trong những ngày lễ mà người dân phải treo Quốc kỳ trước nhà.
Ngoài ra, những trường hợp khác cần treo Quốc kỳ thì sẽ có thông báo của Chính Phủ, Uỷ ban hành chính khu, tỉnh hoặc thành phố.
Không treo Quốc kỳ sẽ bị phạt trong những trường hợp nào?
Căn cứ Điều 30 Nghị định 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ vi phạm quy định về treo cờ quốc tịch và treo Quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi không treo Quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc treo không đúng quy định đối với tàu cá Việt Nam.
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không treo cờ quốc tịch, Quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc treo không đúng quy định đối với tàu cá nước ngoài.
Ngoài ra, biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc treo Quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc cờ quốc tịch theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 30 Nghị định 42/2019/NĐ-CP.
Việc xử phạt việc không treo Quốc kỳ Việt Nam chỉ thực hiện đối với tàu cá Việt Nam.
Người dân hưởng ứng treo cờ ngày Lễ. Nguồn ảnh: Báo Người Lao Động
Vậy treo Quốc kỳ Việt Nam như thế nào là đúng cách?
Tại Mục I Hướng dẫn 3420/HD-BVHTTDL năm 2012 hình Quốc kỳ: Điều 141 chương XI Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992; Thông tư 68/VHTT-TT năm 1993 của Bộ Văn hóa, Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Quốc kỳ nên được treo theo các quy định sau.
Đầu tiên, “…Quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hình chữ nhật, chiều rộng bằng hai phần ba chiều dài, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh…”.
Tiếp đến, “…Điểm giữa ngôi sao vàng đặt đúng điểm giữa (điểm giao nhau của hai đường chéo) Quốc kỳ. Khoảng cách từ điểm giữa ngôi sao đến đầu cánh sao bằng một phần năm chiều dài của Quốc kỳ. Một cánh sao có trục vuông góc với cạnh dài Quốc kỳ và hướng thẳng lên phía trên theo đầu cột treo Quốc kỳ. Tạo hình ngôi sao: từ đầu cánh sao này đến đầu cánh sao đối diện là đường thẳng, không phình ở giữa, cánh sao không bầu. Hai mặt của Quốc kỳ đều có ngôi sao vàng trùng khít nhau. Nền Quốc kỳ màu đỏ tươi, ngôi sao màu vàng tươi...”
Như vậy, không có quy định nào xử phạt người dân không treo Quốc kỳ vào ngày Quốc khánh 2/9. Chỉ có trường hợp treo sai thì người dân có thể bị phạt, trường hợp là tàu cá ra khơi thì phải treo Quốc kỳ đại diện cho Quốc gia.
Tuy nhiên, đối với mỗi người dân Việt Nam, việc nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng tung bay khắp phố chính là hình ảnh của sự kiêu hãnh, niềm vui của một người con trong một “Đất nước Độc lập”. Vì vậy, việc treo cờ Tổ quốc là thể hiện lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, và là ý thức trách nhiệm của mỗi người dân.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9