LongForm: Iran sẽ thế nào sau khi mất Tổng thống vì máy bay rơi?

ĐẠT NGUYỄN - MINH TÂM - KIM LOAN // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 23/5/2024, 14:00

(HTV) - Tuần qua, Iran rúng động khi nghe tin Tổng thống nước này cùng với ngoại trưởng và một số quan chức khác thiệt mạng trong một vụ rơi máy bay.

Vụ việc sẽ có tác động như thế nào với quốc gia Hồi giáo, cũng như đến tình hình Trung Đông hiện tại, giữa lúc khu vực đang "nóng"?

Tối 19/5 theo giờ Việt Nam, truyền thông Iran đưa tin chiếc trực thăng chở Tổng thống Ebrahim Raisi buộc phải hạ cánh khẩn cấp ở tỉnh Đông Azerbaijan thuộc Iran do thời tiết xấu. Sự cố xảy ra ở gần làng Uzi giáp biên giới Azerbaijan. Đi cùng với Tổng thống Raisi còn có Ngoại trưởng Iran, Thống đốc tỉnh Đông Azerbaijan và một số quan chức khác.

Trước đó, đoàn lãnh đạo cấp cao của Iran đến nước láng giềng Azerbaijan để tham dự lễ khách thành một con đập. Phái đoàn của Iran bao gồm 3 chiếc trực thăng, nhưng chỉ có chiếc chở ông Raisi gặp nạn.

Hiện trường vụ rơi máy bay chở Tổng thống, Ngoại trưởng và nhiều quan chức Iran hôm 19/5/2024. Nguồn ảnh: AFP

Thời gian đầu, lực lượng cứu hộ gặp khó khăn khi cố gắng tiếp cận hiện trường do sương mù dày đặc và địa hình đồi núi hiểm trở trong khu vực. Các đơn vị drone được điều động hỗ trợ chiến dịch khẩn cấp.

Thổ Nhĩ Kỳ điều động một đội ngũ tham gia chiến dịch tìm kiếm theo đề nghị từ giới chức Iran. Nhiều nước khác cũng đã đề nghị hỗ trợ.

Tại thủ đô Tehran, người dân cùng cầu nguyện cho Tổng thống được bình an. Tuy nhiên, đã không có phép màu nào xảy đến.

Các thành viên đội cứu hộ khiêng thi thể nạn nhân ở khu vực miền núi đầy sương mù Varzaghan, tây bắc Iran, hôm 20/5/2024. Nguồn ảnh: AP

Ngày 20/5, tức chỉ 1 ngày sau, đại diện Tổ chức Trăng Lưỡi liềm Đỏ của Iran (IRCS) xác nhận đã tìm thấy thi thể của Tổng thống Ebrahim Raisi cùng Ngoại trưởng Hossein Amirabdollahian và 6 người khác. IRCS đồng thời tuyên bố kết thúc công tác tìm kiếm cứu nạn. Truyền thông nhà nước Iran cũng cung cấp nhiều hình ảnh hiện trường, cho biết chiếc trực thăng đã va phải một đỉnh núi.

Linh cữu của các nạn nhân được chuyển về thủ đô Tehran ngày 21/5. Cùng ngày, Iran bắt đầu tổ chức lễ quốc tang kéo dài 5 ngày. Nhiều quan chức và giáo sĩ Iran đã có mặt ở sân bay để dự lễ tiếp nhận linh cữu của cố Tổng thống Raisi, một số người đã không cầm được nước mắt. Ông Raisi sẽ được an táng tại Đền Imam Reza ở quê nhà Masshad.

Tại nhiều thành phố lớn khác của Iran, người dân đến đặt hoa và thắp nến tưởng nhớ những người đã khuất.

Nhiều nước cũng lên tiếng chia buồn về vụ việc và bày tỏ tinh thần đoàn kết với Tehran. Chính quyền Liban tuyên bố để tang 3 ngày, Pakistan cũng để tang và treo cờ rũ 1 ngày.

Hàng ngàn người tham dự lễ tang của các nạn nhân vụ rơi máy bay ở thành phốTabriz, hôm 21/5/2024, cũng là ngày Iran bắt đầu quốc tang kéo dài 5 ngày. Nguồn ảnh: Reuters

Người dân thắp nến tưởng nhớ Tổng thống Iran và các nạn nhân trong vụ rơi máy bay. Nguồn ảnh: ANSA

Cho đến hiện tại, nguyên nhân thực sự của vụ rơi máy bay vẫn đang được điều tra. Một số nguồn tin cho biết giới chức đã loại trừ khả năng bị phá hoại, và đang tập trung theo hướng thời tiết xấu, địa hình khó khăn hay vấn đề kỹ thuật. Trong đó, máy bay chở các quan chức là mẫu Bell 212 được cho là đã hàng chục năm tuổi và thiếu thốn phụ tùng bảo trì, bảo dưỡng do các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Người dân Iran đưa tiễn cố Tổng thống Raisi

Cố Tổng thống Iran Ebrahim Raisi là một chính trị gia siêu bảo thủ, có uy tín lớn và mối quan hệ sâu sắc trong giới tư pháp và tôn giáo. Ông đắc cử tổng thống vào năm 2021. Ông cũng nỗ lực duy trì mối quan hệ tốt đẹp với tất cả các nhánh của chính phủ, quân đội và lập pháp cũng như giai cấp thống trị thần quyền đầy quyền lực.

Tuy nhiên, ông lên nắm quyền vào thời điểm công chúng bất bình với mức sống ngày càng sa sút, một phần do các lệnh trừng phạt của phương Tây, và với các chính sách bị chỉ trích là ưu tiên quốc phòng hơn các vấn đề trong nước. Trong nhiệm kỳ gần 3 năm qua, ông Raisi được nhận định đã lãnh đạo Iran theo hướng bảo thủ hơn và cứng rắn hơn.

Tổng thống Iran Ebrahim Raisi từng được xem là người kế nhiệm Đại giáo chủ Ali Khamenei. Ảnh chụp ông Raisi trong cuộc gặp với người đồng cấp Azerbaijan ở biên giới hai nước, ngày 19/5/2024. Nguồn ảnh: WANA

Việc ông Ebrahim Raisi ra đi đột ngột có thể dẫn đến một khoảng trống quyền lực tại Iran, khi ông này từ lâu đã được coi là người kế nhiệm hiển nhiên của Đại giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei, năm nay đã 85 tuổi.

Phó Giáo sư về chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học Florida, Mỹ, Eric Lob, mô tả việc mất đi ông Raisi là tổn thất lớn với Iran, buộc phe bảo thủ tại Tehran phải nỗ lực đoàn kết để đối phó áp lực trong và ngoài nước.

Một nhà hoạt động gốc Iran hiện sống ở Mỹ cho hay hiện Iran chưa có ứng viên rõ ràng nào để kế nhiệm ông Khamenei, làm tăng sự bất định trong hàng ngũ lãnh đạo cấp cao ở nước này.

Hiện tại, căn cứ theo điều 131 Hiến pháp Cộng hòa Hồi giáo Iran, trong trường hợp tổng thống đương nhiệm chết, bị phế truất hay từ chức thì phó tổng thống sẽ là người kế nhiệm thay thế. Do vậy phó Tổng thống Mohammad Mokhber tạm thời giữ chức tổng thống Iran, điều hành đất nước trong thời gian 50 ngày để chờ tổ chức một cuộc bầu cử mới. Ngày 20/5, ông Mokhber đã chủ trì cuộc họp nội các đầu tiên.

Ngày 21/5, hãng thông tấn nhà nước Iran IRNA đưa tin cuộc bầu cử tổng thống Iran sẽ diễn ra vào ngày 28/6 tới đây. Các ứng viên có thể đăng ký từ ngày 30/5 đến ngày 3/6, và chiến dịch tranh cử sẽ diễn ra từ ngày 12/6 đến sáng 27/6.

Cuộc bầu cử tổng thống mới này được cho là sẽ có rất nhiều biến số, trong bối cảnh dư luận Iran đang chia rẽ sau hàng loạt cuộc biểu tình chống chính phủ. Nền kinh tế nước này cũng đang gặp nhiều khó khăn do các lệnh trừng phạt dưới thời tổng thống Mỹ Donald Trump, khiến xã hội Iran xuất hiện một số nỗi bất bình.

Ảnh cố Tổng thống Ebrahim Raisi trên đường phố thủ đô Tehran. Cuộc bầu cử sắp tới nhằm tìm người thay thế ông được cho là tiềm ẩn nhiều biến số. Nguồn ảnh: WANA

Cái chết của Tổng thống cùng các quan chức cấp cao Iran diễn ra ở một thời điểm nhạy cảm, giữa lúc tình hình Trung Đông căng thẳng, đặc biệt là sự đối đầu trực tiếp giữa Israel và Iran, đã làm tăng mức độ lo lắng cho các nhà quan sát. Trước đó, Iran bắn hàng trăm tên lửa về phía Israel, nhằm đáp trả việc Israel không kích hạ các chỉ huy quân sự Iran ở Syria.

Ali Vaez, cố vấn cấp cao của tổ chức Crisis Group chuyên phân tích về các xung đột trên thế giới, cho rằng "giữa hai đối thủ trong khu vực, luật chơi cũ đã không còn, và các quy tắc mới chưa được thiết lập đầy đủ”. Chia sẻ với Washington Post, ông nói việc tổng thống đương nhiệm của Iran qua đời "làm tăng nguy cơ tính toán sai lầm”. Cũng có khả năng “các đối thủ của Iran trong khu vực nhìn thấy cơ hội và có thể đi quá giới hạn”.

Trong những tháng qua, các nhóm vũ trang Trung Đông được Iran hậu thuẫn cũng đã thực hiện các cuộc tấn công mà họ nói là nhằm vào Israel vì cuộc chiến ở Gaza, hoặc nhằm vào Mỹ, đồng minh lớn nhất của Israel. Bạo lực dẫn đến những lo ngại dai dẳng về việc lan rộng chiến sự ra toàn khu vực.

Tuy nhiên, cũng có nhiều phân tích rằng có rất ít dấu hiệu cho thấy cái chết của ông Raisi có thể ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của Iran hoặc các cuộc xung đột tại Trung Đông. Bởi những chính sách này nằm dưới sự chỉ đạo của Lãnh tụ tối cao Ali Khamenei. Hamidreza Azizi, nghiên cứu viên thỉnh giảng tại Viện nghiên cứu các vấn đề An ninh và Quốc tế Đức, nói vai trò của cơ quan hành pháp Iran - tức tổng thống và nội các - chỉ là "người thực thi".

Tờ Times of Israel cho rằng diễn biến này có thể sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến các cuộc xung đột tại Trung Đông. Đài Al Jazeera cũng phân tích ông Raisi không phải là người ra quyết định chính trong nước, do đó mối quan hệ giữa Iran và nhóm vũ trang Hezbollah (ở Liban) khó có thể thay đổi sau cái chết của ông.

 >>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: