(HTV) - Bà Paetongtarn Shinawatra, con gái của ông Thaksin, đã chính thức trở thành Thủ tướng Thái Lan vào ngày 16 tháng 8.
Tân Thủ tướng được dự báo sẽ đối mặt với nhiều thách thức trước mắt, trong đó có kinh tế trì trệ, phe cấp tiến đang mạnh lên và sự khốc liệt của chính trường Thái Lan.
Hai ngày sau khi Thủ tướng Srettha Thavisin bị bãi nhiệm vì bổ nhiệm một bộ trưởng từng ngồi tù, Hạ viện Thái Lan hôm 16/8 đã bầu bà Paetongtarn Shinawatra làm thủ tướng mới.
Bà Paetongtarn, 37 tuổi, là người thứ ba trong gia tộc Shinawatra đảm nhận chức vụ này và cũng là lãnh đạo trẻ tuổi nhất của chính phủ Thái Lan từ trước đến nay.
Trong bài phát biểu sau khi được bầu làm Thủ tướng, bà nói:
Bà Paetongtarn Shinawatra trở thành nữ Thủ tướng thứ hai của Thái Lan, sau người cô Yingluck. Nguồn ảnh: Reuters
Bà Paetongtarn thường được biết đến tại Thái Lan với biệt danh Ung Ing và là con út của cựu Thủ tướng Thaksin.
Bà quản lý bộ phận khách sạn của đế chế kinh doanh gia đình Shinawatra trước khi tham gia chính trường vào năm 2021. Đảng Pheu Thai, có tiền thân là đảng Thai Rak Thai của ông Thaksin, chọn bà làm người đứng đầu Ủy ban Tư vấn về hòa nhập và đổi mới.
Năm 2023, bà Paetongtarn trở thành một trong ba ứng viên thủ tướng của đảng Pheu Thai. Trong quá trình vận động, Paetongtarn đã đưa ra những đề xuất mà bà cho là sẽ có lợi cho người dân, bao gồm tăng gấp đôi mức lương tối thiểu hàng ngày, mở rộng phạm vi bảo hiểm chăm sóc sức khỏe và giảm giá vé hệ thống giao thông công cộng của Bangkok.
Những hoạt động chính trị của bà Paetongtarn trước khi trở thành Thủ tướng
Từ trước đến nay, bà Paetongtarn chưa được bầu vào quốc hội và chưa từng giữ chức vụ trong chính phủ.
Việc liên minh cầm quyền chọn bà Paetongtarn làm ứng viên Thủ tướng trong cuộc bỏ phiếu hôm 16/8 khiến nhiều nhà phân tích bất ngờ. Họ đã cho rằng ông Thaksin sẽ trì hoãn việc này để bảo vệ con mình khỏi sự khốc liệt của chính trường Thái Lan. Việc ông Srettha bị bãi nhiệm sau chưa đầy một năm nắm quyền phần nào thể hiện điều này.
Chính phủ của ông Thaksin từng bị lật đổ vào năm 2006 do đảo chính. Nguồn ảnh: Reuters
Trong khi đó, Thái Lan đã chứng kiến nhiều cuộc đảo chính và phán quyết của tòa án, khiến các đảng phái chính trị phải giải thể, nhiều chính quyền và thủ tướng bị lật đổ.
Thách thức về chính trị đối với tân Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn
Phát biểu sau khi được Quốc vương Thái Lan phê chuẩn làm Thủ tướng ngày 17/8, bà Paetongtarn cho biết bà sẽ chỉ tham vấn cha mình, chứ không có ý định bổ nhiệm ông vào bất kỳ vị trí chính phủ nào.
Thủ tướng Paetongtarn còn phải đối mặt với nhiều thách thức như nền kinh tế đang trì trệ và sự ủng hộ dành cho đảng Pheu Thai ngày càng suy yếu. Chính phủ của ông Srettha từng công bố kế hoạch hỗ trợ tiền mặt trị giá 500 tỷ baht cho người dân, nhưng chương trình này đã liên tục bị trì hoãn.
Ông Srettha Thavisin bị bãi nhiệm sau gần một năm làm Thủ tướng. Nguồn ảnh: Reuters
Khi nhậm chức Thủ tướng vào tháng 8/2023, ông Srettha đặt ưu tiên khôi phục kinh tế, với trọng tâm là chương trình ví tiền kỹ thuật số hỗ trợ 50 triệu người dân Thái Lan mỗi người 10.000 baht. Kế hoạch dự kiến phải đến Quý IV năm nay mới được triển khai.
Nhiều chuyên gia cho rằng ông Srettha vô trách nhiệm về tài chính khi đề ra kế hoạch này. Ngân hàng trung ương Thái Lan cũng đã phản đối quy mô của chương trình này. Hồi tháng 5, ngân hàng này đã giữ nguyên lãi suất, bất chấp việc chính phủ kêu gọi hạ lãi suất để thực hiện các kế hoạch chi tiêu và vực dậy kinh tế.
Theo thăm dò hồi tháng 6 của Viện Quản lý Phát triển Quốc gia, chỉ 12,85% người tham gia khảo sát ủng hộ sự lãnh đạo của ông Srettha, giảm so với mức 22,35% vào tháng 12.
Kinh tế Thái Lan chật vật hồi phục sau đại dịch COVID-19. Nguồn ảnh: Reuters
Hơn 16 triệu người đã nộp đơn xin nhận tiền phát "ví kỹ thuật số" vào ngày mở đăng ký, làm sập hệ thống. Điều này báo hiệu nhu cầu rất lớn đối với chương trình này trong bối cảnh người dân Thái Lan chịu ảnh hưởng từ nền kinh tế chậm lại và mức nợ cá nhân cao.
Sau khi chính thức trở thành Thủ tướng Thái Lan, bà Paetongtarn tuyên bố sẽ duy trì những chính sách của người tiền nhiệm, trong đó có kế hoạch cải cách và kích thích kinh tế.
Thách thức về kinh tế đối với tân Thủ Tướng Thái Lan Paetongtarn
Tân Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn tuyên bố sẽ khôi phục kinh tế. Nguồn ảnh: Reuters
Theo giới phân tích, bà Paetongtarn sẽ phải vực dậy nền kinh tế để thu hút sự ủng hộ của người dân và khôi phục hình ảnh của Đảng Pheu Thai. Nếu không làm được điều đó, bà sẽ đối mặt với nguy cơ nổ ra các cuộc biểu tình từ người dân, cũng như thách thức ngày càng lớn đến từ phía Đảng Nhân dân.