Mở rộng không gian ngầm ở trung tâm TP.HCM

24/1/2024, 15:15

Không chỉ đường Tôn Đức Thắng dự kiến sẽ được ngầm hóa, khu vực đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi và công viên bến Bạch Đằng, công trường Mê Linh cũng được định hướng là không gian ngầm phục vụ đi lại, mua sắm, giải trí...

Đường Tôn Đức Thắng (dọc Công viên bến Bạch Đằng) sẽ được ngầm hóa

Ngầm hóa đường Tôn Đức Thắng

Đường Tôn Đức Thắng nằm ở trung tâm Quận 1, dài khoảng 2 km, điểm đầu giao với đường Lê Duẩn, sau đó chạy qua khu Ba Son rồi uốn theo công viên bến Bạch Đằng ven sông Sài Gòn đến cầu Khánh Hội. Trục đường này kết nối trực tiếp phố đi bộ Nguyễn Huệ, công trường Mê Linh, bến Bạch Đằng và là một trong tuyến chính qua lại giữa khu trung tâm với Quận 4, 7.

Theo quy hoạch mở rộng không gian đô thị về phía sông Sài Gòn, giao thông trên đường Tôn Đức Thắng sẽ chuyển xuống dưới mặt đất, phía trên chủ yếu dành cho không gian đi bộ và xe điện.

Đường Tôn Đức Thắng đoạn tiếp giáp với phố đi bộ Nguyễn Huệ và bến Bạch Đằng sẽ được ngầm hóa

Để ngầm hóa đường Tôn Đức Thắng, mới đây Sở GTVT TP.HCM đề xuất làm hầm chui dưới tuyến đường này dài khoảng 1 km, chạy dọc công viên Bến Bạch Đằng (từ cầu Khánh Hội đến cầu Ba Son), rộng 20,5 m cho 4 làn xe lưu thông hai chiều. Tổng mức đầu tư khoảng 1.500 tỉ đồng, triển khai giai đoạn 2024 – 2028. 

Trước mắt, Sở GTVT TP.HCM đề xuất ngân sách TP.HCM chi 500 triệu đồng để lập đề xuất chủ trương đầu tư dự án trong giai đoạn 2024 – 2025.

Việc ngầm hóa đường Tôn Đức Thắng giúp kết nối phố đi bộ Nguyễn Huệ và công viên bến Bạch Đằng

Hiện nay, công viên bến Bạch Đằng mới được chỉnh trang, thu hút nhiều người đến vui chơi, giải trí, nhưng khó kết nối qua trục Nguyễn Huệ. Điều này gây mất an toàn cho người đi bộ khi phải băng ngang đường Tôn Đức Thắng vốn có lượng xe qua lại rất cao. Do đó, nếu ngầm hóa đường Tôn Đức Thắng, khu vực trên có thể hình thành một trục không gian công cộng hấp dẫn.

"Cần quy hoạch ngầm cho cả những khu đất thuộc tư nhân"

Ngoài ra, khu trung tâm TP.HCM có nhiều không gian ngầm đã hình thành và chuẩn bị đưa vào sử dụng. Đó là nhà ga Bến Thành (thuộc tuyến Metro số 1) với bốn tầng hầm phục vụ cho các tuyến metro trong tương lai và các trung tâm thương mại, dịch vụ kèm theo.

TP.HCM sẽ mời gọi đầu tư không gian ngầm khu vực nhà ga Bến Thành, Công viên 23/9

Đồng quan điểm, Kiến trúc sư Khương Văn Mười - nguyên phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, không gian ngầm của TP.HCM phải phát triển để đáp ứng nhu cầu của đô thị. Giá trị của không gian ngầm sẽ đóng góp vào cấu trúc đô thị, gắn liền với cuộc sống của người dân.

Hiện TP.HCM đang quy hoạch không gian ngầm trên cơ sở các vùng đất trống như Công viên 23/9, đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ, đường Tôn Đức Thắng chứ chưa quy hoạch cho các khu đất thuộc quyền sử dụng của khối tư nhân.

"Theo tôi, cần quy hoạch ngầm cho cả những khu đất thuộc tư nhân này, có các chỉ tiêu quy hoạch ngầm như không gian trên mặt đất nhằm tăng cao tính kết nối và hiệu quả sử dụng đất...” – ông Mười nói.

Nguồn: Lao Động 

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

Ý kiến của bạn: