(HTV) - Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã mở cuộc điều tra hình sự về vụ tàu chở container tông sập cây cầu Francis Scott Key, tại thành phố Baltimore bang Maryland cuối tháng 3.
Cho đến nay, gần một tháng sau khi xảy ra sự cố, công tác khắc phục vẫn đang gặp nhiều khó khăn và ảnh hưởng đến kinh tế tại địa phương.
Sự cố giao thông nghiêm trọng nhất tại bang Maryland
Hiện trường vụ sập cầu Francis Scott Key sáng 26/3/2024. Nguồn ảnh: Reuters
Cận cảnh tàu container Dali tông sập cấu trúc bằng thép của cầu Francis Scott Key. Nguồn ảnh: Reuters
Rạng sáng ngày 26/3 (theo giờ địa phương), tàu chở hàng Dali, mang cờ Singapore tông phải trụ cầu Francis Scott Key khiến toàn bộ cấu trúc giữa cây cầu đổ sập nhanh chóng.
Thời điểm này, một nhóm công nhân đang sửa chữa cầu và một số phương tiện lưu thông qua cầu rơi xuống sông Patapsco.
Theo kế hoạch, lực lượng chức năng sẽ phải cắt cây cầu thành các mảnh có kích thước phù hợp, để sau đó hệ thống cần cẩu có thể nâng lên và đưa các mảnh cắt khỏi lòng sông Patapsco, nơi cầu rơi xuống làm chặn lối vào cảng Baltimore.
Theo các nhà chức trách Mỹ, họ đang tiến hành một cuộc điều tra toàn diện, thu thập được hộp đen tàu hàng để tìm hiểu nguyên nhân va chạm, cũng như đánh giá các yếu tố khiến cây cầu bị sập gần như ngay lập tức. Dự kiến, cuộc điều tra các nguyên nhân gây sập cầu có thể kéo dài từ 12 đến 24 tháng.
Cầu Francis Scott Key là công trình giao thông biểu tượng của bang Maryland cuối thế kỷ 20. Nguồn ảnh: AP
Với chiều dài gần 3 km, Francis Scott Key là cây cầu dài nhất ở khu vực đô thị Baltimore. Cây cầu được khánh thành vào tháng 3/1977 và đảm bảo lưu thông xuyên suốt trong 47 năm qua.
Theo Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NTSB), trong lần thanh tra gần đây nhất vào tháng 5 năm ngoái, cầu Francis Scott Key vẫn trong tình trạng ổn định và an toàn.
Tuy nhiên, thiết kế lâu đời, cộng với sức nặng của tàu container khiến cây cầu không thể “sống sót” khi bị tông trúng.
Theo Rachel Sangree - Đại Học Johns Hopkins, Mỹ: "Cây cầu có thiết kế phổ biến của những năm 1970, các trục kết cấu không được thiết kế để chống lại tác động lớn như vậy”.
David Knight - Viện Kỹ sư Xây dựng Vương Quốc Anh: "Cầu kéo dài trên 3 nhịp, 2 trục chính và không được chống đỡ ở 2 đầu cầu. tất cả các kết cấu đều đóng vai trò quan trọng trong việc trợ tải. Cách này giúp tiết kiệm chi phí và vật tư xây dựng, nhưng sẽ không chống chịu được tác động mạnh như tai nạn vừa rồi".
Điều tra ban đầu cũng cho thấy, ít nhất đã có 56 container chở 764 tấn hóa chất độc hại trên tàu Dali, trong đó một số container bị hư hại, rò rỉ.
Cần cẩu khổng lồ đưa các phần cầu bị sập lên bờ. Nguồn ảnh: Reuters
Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Mỹ cho biết các nhà điều tra sẽ tiến hành phân tích dữ liệu trong hộp đen, cũng như làm rõ xem liệu nhiên liệu bẩn có phải là nguyên nhân khiến con tàu bị chết máy khi đang di chuyển và gây ra vụ tai nạn trên hay không.
Trước đó, nhật ký hành trình cho thấy tàu container Dali tiếp dầu lần cuối ở Châu Á rồi đi thẳng đến Mỹ, trong khi thông thường phải ghé cảng bổ sung nhiên liệu giữa hải trình. Điều này dẫn đến giả thuyết tàu Dali đã mua "dầu bẩn" từ một bên cung cấp không chính thức nào đó, có thể bằng hình thức tiếp liệu trên biển. Những con tàu sử dụng "dầu bẩn" thường có nguy cơ chết máy, dẫn đến mất toàn bộ hệ thống điện cũng như điều khiển trên tàu.
Thị trưởng thành phố Baltimore, ông Brandon Scott, xác nhận thành phố sẽ có hành động pháp lý với các đơn vị có liên quan đến tàu Dali. Con tàu được quản lý bởi Synergy Marine Group và thuộc sở hữu của Grace Ocean Private Ltd, cả hai công ty này đều của Singapore. Công ty vận tải Maersk của Đan Mạch đã thuê tàu Dali đi đến Sri Lanka.
Nhân viên FBI điều tra hiện trường vụ sập cầu. Nguồn ảnh: Fox News
Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cũng vào cuộc điều tra. Trong ngày 15/4, các nhân viên FBI đã lên tàu Dali. Theo tờ Washington Post, cuộc điều tra đang xem xét liệu rằng có việc thủy thủ đoàn tiếp tục cho tàu rời cảng ngay cả khi đã biết về sự cố nghiêm trọng của hệ thống trên tàu hay không. Hãng tin AP cũng nói rằng, cuộc điều tra sẽ tập trung vào các tình huống dẫn đến vụ tai nạn và các điều luật giao thông liên bang có bị vi phạm hay không.
Cuộc điều tra của FBI tách biệt với cuộc điều tra đang diễn ra của NTSB.
Trong lúc công tác điều tra, khắc phục hậu quả đang được triển khai, thì những tác động từ vụ sập cầu tới nền kinh tế cũng đã hiện diện. Giao thông bị gián đoạn, hoạt động vận chuyển hàng hóa đường thủy ngưng trệ,... ước tính có thể gây thiệt hại lên tới 15 triệu đôla Mỹ mỗi ngày.
Công nhân cắt bỏ hàng tấn thép khỏi cấu trúc cầu để đưa vào đất liền vào ngày 12/4/2024. Nguồn ảnh: AP
Chính quyền bang Maryland cho biết, khoảng 35.000 người sử dụng cầu Francis Scott Key để đi lại hàng ngày. Trong thời gian chờ đợi việc tái thiết, họ sẽ phải chuyển đổi lộ trình, như đi qua các tuyền đường hầm, xa hơn và tốn kém hơn, thay vì đi qua cầu như trước đây. Lượng xe đổ dồn về cũng dẫn đến nguy cơ xuất hiện những điểm ùn tắc giao thông mới.
Bên cạnh đó, việc cây cầu sập chắn ngang sông Patapsco đang đảo lộn hoạt động lưu thông hàng hải của tàu thuyền từ cảng Baltimore, một trong những cảng tấp nập nhất ở Bờ Đông nước Mỹ.
Về lâu dài, thiệt hại từ vụ sập cầu sẽ được xác định bằng tốc độ nối lại các tuyến vận chuyển.
Tờ New York Times nhận định: các nhà chế tạo xe hơi, khai thác than đá sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Trong năm 2023, cảng Baltimore là nơi trung chuyển của 847.000 chiếc ô tô và xe tải hạng nhẹ, nhiều hơn bất kỳ cảng nào khác tại Mỹ.
Các công ty chuyên về vận tải hàng hóa cho nhà cung ứng và cho các cửa hàng đã phải gấp rút điều động xe tải đến các cảng khác ở Bờ Đông để nhận hàng được điều hướng từ cảng Baltimore. Trong khi đó, các tàu chở hàng khác vẫn đang xếp hàng chờ để được cập cảng.
Greg Williams - Công ty B&E Storage and Transfer cho biết: "Chúng tôi xuất khẩu đi Nam Mỹ, vùng Viễn Đông, Châu Âu. Hiện tại chúng tôi không thể vận chuyển bất cứ hàng hóa gì ra ngoài nên việc xuất khẩu đã bị ngừng lại."
Cảng Baltimore là nơi làm việc của hơn 15.000 công nhân và gián tiếp hỗ trợ gần 140.000 việc làm thông qua các hoạt động khác tại cảng. Việc cảng này đóng cửa có nghĩa là toàn bộ số công nhân đang làm việc tại đây sẽ phải nghỉ tạm thời hoặc bị giảm giờ làm kéo dài.
Công tác dọn dẹp cầu Francis Scott Key. Nguồn ảnh: AP
Một con số đáng chú ý khác: đó là khoản bồi thường bảo hiểm khổng lồ từ tai nạn này có thể dao động từ 2 đến 4 tỷ đô la Mỹ. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho rằng các khoản thanh toán bảo hiểm sẽ trang trải một phần chi phí để xây dựng lại cây cầu, trong bối cảnh Quốc hội Mỹ vốn đang chia rẽ về ngân sách.
Dự kiến, cảng Baltimore sẽ mở cửa trở lại vào cuối tháng 5 năm nay.
Theo chính phủ liên bang, có khoảng 42.200 cây cầu ở Mỹ đang trong tình trạng xuống cấp, trong khi phải tải khoảng 167 triệu phương tiện mỗi ngày. Đây sẽ là một thách thức lớn với ngành giao thông vận tải Mỹ, đặc biệt họ đã thấy được những hệ quả từ sự cố ở Maryland, và buộc phải bắt tay vào công tác kiểm tra, giám sát chất lượng hạ tầng để có thể tránh những rủi ro trong tương lai.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9