(HTV) - Kể từ ngày 28/8, tổ chức tín dụng có tốc độ tăng trưởng tín dụng đạt từ 80% chỉ tiêu Ngân hàng Nhà nước đã thông báo đầu năm sẽ được chủ động điều chỉnh tăng thêm dư nợ tín dụng dựa trên cơ sở điểm xếp hạng.
Việc điều chỉnh này được cho là linh hoạt, kịp thời khi kết quả tăng trưởng tín dụng thời gian qua bị thấp so với chỉ tiêu đề ra.
Từ đầu năm đến nay, ngân hàng Nhà nước đã giao toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng ở mức khoảng 15%. Tuy nhiên, đến ngày 26/8, tín dụng toàn hệ thống mới chỉ tăng 6,63% so với cuối năm 2023, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu định hướng đầu năm và mức tăng trưởng tín dụng của các tổ chức tín dụng cũng không đồng đều.
Nguyên nhân được cho là do sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn chậm và lãi suất cho vay tuy đã giảm khá nhiều nhưng vẫn còn cao so với sức khỏe của các doanh nghiệp.
Theo Tiến sĩ Châu Đình Linh, Giảng viên Đại học Ngân hàng TP.HCM, tốc độ tăng trưởng tín dụng không đạt như kỳ vọng ban đầu do các yếu tố khách quan, trong đó có sự suy giảm kinh tế toàn cầu và tổng cầu trong nước đang có xu hướng chững lại. Mặc dù có tăng, nhưng mức tăng này không cao so với các năm trước. Ngoài ra, một phần nguyên nhân còn xuất phát từ chính bản thân các doanh nghiệp.
Tiến sĩ Châu Đình Linh - Giảng viên Đại học Ngân hàng TP.HCM cho biết tốc độ tăng trưởng tín dụng không đạt như kỳ vọng ban đầu do các yếu tố khách quan
Việc Ngân hàng Nhà nước chủ động điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng lần này được cho là kịp thời, đáp ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế và kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM, nhận định rằng việc điều chỉnh hạn mức tín dụng cho các tổ chức tín dụng có chất lượng tín dụng tốt là một chính sách hiệu quả và linh hoạt. Điều này không chỉ phù hợp với tình hình thị trường mà còn giúp các tổ chức tín dụng chủ động trong việc quản lý nguồn vốn, tạo điều kiện để họ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ hơn. Đồng thời, nó cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng, mở ra cơ hội để các ngân hàng tăng trưởng ổn định trong những tháng còn lại của năm.
Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM, nhận định rằng việc điều chỉnh hạn mức tín dụng cho các tổ chức tín dụng có chất lượng tín dụng tốt là một chính sách hiệu quả
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm là 15%, từ nay tới cuối năm 2024 các tổ chức tín dụng cần phải "bơm" hơn 1 triệu tỷ đồng vào nền kinh tế. Đây là thách thức không hề nhỏ, đòi hỏi ngành ngân hàng cần có nhiều giải pháp.
Cũng theo Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM Nguyễn Đức Lệnh, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện tốt các chính sách hiện hành, đồng thời tập trung hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các chương trình kết nối doanh nghiệp, giảm lãi suất và cơ cấu lại nợ.
Giảng viên Đại học Ngân hàng TP.HCM, Tiến sĩ Châu Đình Linh cho biết cần phải xem xét việc tạo ra những "mồi lửa" để thúc đẩy tổng cầu cho nền kinh tế. Việc này sẽ kích thích nhu cầu vay vốn từ cả cá nhân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần đặc biệt chú trọng đến việc giải ngân đầu tư công, bởi đây là "mồi lửa" quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo các chuyên gia, ngay cả trường hợp dù có đạt thấp hơn mục tiêu 15% cũng không quá đáng ngại, mà quan trọng nhất là tạo được dòng vốn chảy mạnh vào sản xuất kinh doanh. Không nên đánh đổi an toàn hệ thống để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá. Nhất là khi nợ xấu vẫn đang là một nỗi lo trực chờ đối với hệ thống ngân hàng.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9