(HTV) - Ngày 29/06/2023 quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu (EU) được Nghị viện thông qua và áp dụng từ ngày 30/12/2024. Quy định sẽ ngăn chặn nhập khẩu các mặt hàng gây mất rừng và suy thoái rừng.
Quy định này đã đặt ra những yêu cầu mới với ngành cà phê Việt Nam.
Xuất hiện những yêu cầu mới dành cho ngành cà phê Việt Nam
Theo quy định, bất kỳ nhà khai thác hoặc thương nhân nào đưa các mặt hàng có xuất xứ từ gỗ vào thị trường EU thì phải chứng minh rằng các sản phẩm không có nguồn gốc từ đất rừng bị phá gần đây hoặc góp phần làm suy thoái rừng. Với quy định mới này, các doanh nghiệp hoạt động trong ngành cà phê đều rất đồng tình, vì có đơn vị đã triển khai nội dung này tại các vùng trồng nhiều năm qua. Các doanh nghiệp cam kết sẽ luôn đồng hành, góp phần khẳng định của Việt Nam trong tham gia bảo vệ thiên nhiên, chống biến đổi khí hậu.
Các doanh nghiệp cam kết đồng hành trong việc sản xuất sản phẩm không gây suy thoái rừng
Ông Vương Văn Hải - Chủ tịch Hội Cà phê tỉnh Sơn La chia sẻ: "Quy định của EU đối với Sơn La không đáng ngại lắm, vì tỉnh có 90% đơn vị đã có chứng chỉ, nên đảm bảo vùng trồng của Sơn La đảm bảo và không phá rừng...Đây cũng là yêu cầu của tỉnh Sơn La, sản xuất theo đúng hướng xanh - bền vững".
Tại Hội nghị Tổng kết niên vụ cà phê 2022 - 2023 và phương hướng nhiệm vụ niên vụ 2023 - 2024, các chuyên gia, lãnh đạo Hiệp hội ngành cà phê của các địa phương cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Quy định chống phá rừng của EU. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam cấu trúc lại các ngành hàng liên quan tới rừng và lâm nghiệp.
Toàn cảnh Hội nghị
Chống phá rừng và suy thoái rừng không chỉ là quy định của EU mà đây là xu thế của thế giới trong tăng trưởng Xanh, hướng tới nền kinh tế nói chung, nông nghiệp nói riêng minh bạch, trách nhiệm và phát triển bền vững. Việt Nam mong muốn sẽ là đối tác đồng hành cùng EU thực thi Quy định này một cách tích cực và hiệu quả.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9