Nhiệm kỳ thứ 05 của Tổng thống Nga và những thách thức mới

VIỆT TOÀN - TRÚC QUỲNH - MAI LÊ // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 15/5/2024, 20:01

(HTV) - Ngày 07/5 tại Đại Cung điện Kremli ở Mát-xcơ-va, Tổng thống Nga Vladimir Putin đọc lời tuyên thệ nhậm chức, chính thức bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống lần thứ 5.

Nhiệm kỳ 06 năm tới của Tổng thống Putin được kỳ vọng sẽ giúp nước Nga trỗi dậy "mạnh mẽ hơn" sau giai đoạn khó khăn, như trong phát biểu của ông tại buổi lễ nhậm chức.

Tổng thống Nga Vladimir Putin trong buổi lễ nhậm chức ngày 07/5/2024. Nguồn ảnh: Reuters

Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố: "Chúng ta sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn này và trở nên mạnh mẽ hơn. Chúng ta là một quốc gia đoàn kết và vĩ đại. Cùng nhau, chúng ta sẽ vượt qua mọi trở ngại, thực hiện mọi thứ đã lên kế hoạch, và cùng nhau, chúng ta sẽ chiến thắng”.

Vào tháng 3/2024, Tổng thống Vladimir Putin 71 tuổi tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 05 với hơn 87% số phiếu. Tỉ lệ được Ủy ban Bầu cử Trung ương Nga mô tả là cao nhất lịch sử nước này. Ba đối thủ còn lại của ông Putin đều không nhận được quá 5% phiếu bầu. Theo nhiều cử tri Nga, họ bầu cho ông Putin vì tin rằng ông đã giúp khôi phục vị thế đất nước và kỳ vọng ông sẽ giúp chấm dứt các xung đột.

Yếu tố ổn định chính trị giúp người dân Nga tin tưởng ông Putin

Giới quan sát cho rằng, yếu tố ổn định chính trị là lí do mà người Nga tiếp tục đặt niềm tin vào vị lãnh đạo của họ.

Khi ông Putin bắt đầu lên nắm quyền từ năm 2000, nước Nga đang trải qua giai đoạn khó khăn, với tăng trưởng GDP âm suốt gần thập kỷ, Chính phủ luôn trong tình trạng khủng hoảng ngân sách và chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong GDP toàn cầu.

Sau gồm 04 nhiệm kỳ tổng thống và một nhiệm kỳ thủ tướng, ông Putin đã giúp Nga thay đổi trên nhiều lĩnh vực, từ vị thế trên trường quốc tế đến kinh tế và đời sống người dân.

Ngay sau khi bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống thứ 05 của mình, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh “Về các mục tiêu phát triển quốc gia của Liên bang Nga đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2036 ”, xoay quanh việc phát triển kinh tế bền vững, phát triển xã hội, củng cố quyền lực nhà nước, văn hóa, các giá trị truyền thống, kinh tế, gia tăng dân số và cải thiện chất lượng sống.

Tổng thống Putin nêu bật mục tiêu khôi phục vị thế nước Nga trong lễ nhậm chức ngày 07/5/2024. Nguồn ảnh: Reuters

Tổng thống Putin tuyên bố sẽ dành phần lớn nhiệm kỳ mới để hoàn thành mục tiêu "phi quân sự hóa" Ucraina, đồng thời làm những gì cần thiết để bảo vệ chủ quyền và an ninh Nga.

Ông Putin chú trọng thực hiện các chuyển đổi quan trọng trong nước, tái cấu trúc nước Nga thành xã hội thời chiến.

Tổng thống Nga chú trọng bảo vệ các giá trị mà ông coi là "truyền thống của nước Nga" nhằm chống lại ảnh hưởng từ phương Tây, từ đó biến Nga thành một đối trọng với các cường quốc Châu Âu và Mỹ.

Giống như các cường quốc khác trên thế giới, nếu Trung Quốc nói nhiều về “giấc mộng Trung Hoa”, Mỹ có khẩu hiệu “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”, thì sứ mệnh của Tổng thống Putin từ trước đến nay luôn là khôi phục vị thế siêu cường mà Mát-xcơ-va từng có trước đây.

Giới quan sát nói về mục tiêu xây dựng nước Nga của ông Putin

Tổng thống Putin nhậm chức nhiệm kỳ 05 trong bối cảnh Châu Âu đang chuẩn bị đối phó với những động thái tiếp theo của Nga. Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO nhận định việc Nga thông báo tổ chức cuộc tập trận quân sự, trong đó thực hành sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật là quyết định “nguy hiểm”, làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.

Sự vươn lên mạnh mẽ của Trung Quốc và khả năng ông Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng cũng đặt ra nhiều thách thức. Nếu ông Trump tái đắc cử vào cuối năm nay, Washington có khả năng không tập trung nguồn lực vào Ucraina mà chuyển sang Trung Quốc. Điều này sẽ khiến Châu Âu đơn độc nếu phát sinh xung đột vũ trang với Nga.

Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu EC Ursula Von Der Leyen đưa ra cảnh báo khả năng Nga có thể mở một cuộc tấn công vào một nước Châu Âu nào đó nhằm điều tra về các cam kết phòng thủ của NATO.

Chủ tịch EC Ursula Von Der Leyen cảnh báo khả năng Nga tấn công một nước khác thuộc Châu Âu. Nguồn ảnh: Reuters

EU đang muốn nâng cao năng lực phòng thủ để hỗ trợ Ucraina trong ngắn hạn, và hơn hết, ngăn chặn các bước tiến tiếp theo của Nga.

Trước nhiệm kỳ mới của ông Putin, EC đã đề xuất lệnh cấm các đảng chính trị, viện nghiên cứu và các tổ chức liên quan nhận nguồn tài trợ từ Nga. Các biện pháp trừng phạt mới đang được thảo luận bao gồm cấm nhập khẩu khí helium từ Nga, siết chặt các hạn chế xuất khẩu quặng man-gan và các khoáng sản hiếm khác, đồng thời cấm 11 tàu vận tải bị nghi ngờ hỗ trợ các hoạt động tấn công của Nga cập cảng.

Nguy cơ một cuộc giao tranh khác tại Châu Âu

Việc ông Putin tiếp tục lãnh đạo nước Nga không khiến giới quan sát ngạc nhiên. Điều đang nhận được sự chú ý là những thông điệp và sự cải tổ nội các ở Mát-xcơ-va.

Ngày 12/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra nhiều đề xuất nhằm cải tổ nội các sau khi nhậm chức nhiệm kỳ mới, trong đó có việc để cử chuyên gia kinh tế dân sự Andrey Belousov làm bộ trưởng quốc phòng, thay ông Sergey Shoigu.

Ông Andrey Belousov 65 tuổi từng giữ chức phó thủ tướng và bộ trưởng kinh tế. Ông từng làm việc với các nhà kỹ trị hàng đầu của Tổng thống Putin, những người muốn có sự đổi mới lớn hơn và cởi mở với những ý tưởng mới. Ông Belousov cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát chương trình máy bay không người lái của Nga.

Các vị trí Giám đốc Cơ quan Tình báo Đối ngoại do ông Sergei Naryshkin đảm nhiệm, Giám đốc Cơ quan An ninh Liên bang Nga do ông Alexander Bortnikov đảm nhiệm và Ngoại trưởng do ông Sergei Lavrov đảm nhiệm sẽ không thay đổi.

 Hình ảnh một số thành viên trong Nội các mới của Tổng thống Putin (Thứ tự trái sáng phải: Andrey Belousov, Sergei Naryshkin, Alexander Bortnikov). Nguồn ảnh: Reuters

 Diễn biến chính trường Nga trong thời gian ngắn tới sẽ phần nào cho thấy ông Putin tính toán điều gì cho tương lai cuộc xung đột với Ucraina, nền kinh tế Nga và cả bàn cờ địa chính trị thay đổi sâu sắc như hiện nay.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: