Những ngày này, hạn hán và xâm nhập mặn đang bủa vây khốc liệt các tỉnh miền Tây. Nhiều tuyến đường sụp lún do hạn, mặn, việc nuôi trồng hải sản cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Nhiều tuyến đường trị giá hàng tỉ đồng bị sụp xuống sông ở huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau
Sáng 25/3, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cùng đoàn công tác đã có chuyến khảo sát tình hình hạn, mặn xâm nhập trên địa bàn các huyện Kế Sách, Long Phú và Trần Đề.
Thiếu nước cho lúa
Theo báo cáo của ngành nông nghiệp, từ ngày 08/02 đến 01/3, xâm nhập mặn bắt đầu vào sâu trong nội đồng trên tuyến sông Hậu có xu hướng ngày càng tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến cung cấp nước sản xuất cho địa bàn huyện Long Phú và Kế Sách.
Ông Huỳnh Ngọc Nhã - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng cho biết nhờ có kế hoạch triển khai sớm công tác phòng, chống hạn xâm nhập mặn ngay từ đầu mùa khô nên ngành nông nghiệp đã chủ động tạo mọi điều kiện để nông dân vùng có nguy cơ nhiễm mặn sản xuất thành công vụ lúa đông xuân 2023 - 2024.
Tuy nhiên, do giá lúa thời gian qua tăng cao, mặc dù đã có khuyến cáo nhưng một bộ phận nông dân tiếp tục sản xuất lúa đông xuân muộn (vụ 3) vào thời gian cao điểm diễn ra xâm nhập mặn nên nguy cơ rủi ro cao.
Tính đến ngày 23/3 tại huyện Long Phú, người dân sản xuất ngoài kế hoạch của ngành nông nghiệp khoảng 6.000ha. Trong đó, ghi nhận có khoảng 1.000ha lúa bị ảnh hưởng do thiếu nước kết hợp ngộ độc phèn. Hiện nay, tuy nước vẫn còn trong hệ thống thủy lợi Long Phú - Tiếp Nhựt nhưng xâm nhập mặn rất gay gắt nên nguy cơ thiếu nước cho diện tích lúa sản xuất là rất cao.
Còn ông Trang Minh Tú - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang cho biết đến thời điểm này An Biên có trên 400ha diện tích nuôi tôm của bà con bị ảnh hưởng nặng do hạn hán kéo dài và độ mặn tăng liên tục. Bà con thả nuôi khoảng hai tháng phải thu hoạch sớm hơn so với bình thường.
"Nắng nóng gay gắt đã làm nhiều vùng nuôi tôm xuất hiện dịch bệnh làm tăng chi phí cho nông dân. So với năm 2023, năm nay nắng nóng kéo dài và độ mặn cao hơn nhiều" - ông Tú nói.
Người dân sắp "khát" nước
Tại Cà Mau, những ngày qua khô hạn đã làm hơn 14,5km lộ giao thông và nhiều bờ kè của người dân sụp xuống sông. Theo thống kê sơ bộ, số tiền thiệt hại do hạn mặn đã lên đến con số hơn 19 tỷ đồng. Không chỉ vậy, hạn mặn còn làm 3.700 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, một số nơi phải mua nước từ nơi khác chở đến với giá lên đến 50.000 đồng/m3. Trước thực trạng hạn hán bủa vây, tỉnh Cà Mau đã lên phương án ứng phó để đảm bảo các giải pháp bảo vệ vùng sản xuất và khắc phục khó khăn cho người dân do thiếu nước gây ra.
Ông Phan Hoàng Vũ - giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh - cho biết Cà Mau đã lên phương án xin hỗ trợ khẩn cấp gần 40 tỷ đồng để đầu tư các bồn chứa nước và nối dài đường ống, sửa chữa các trạm cấp nước cho người dân.
Nếu được đầu tư, Cà Mau sẽ cấp phát 758 bồn nước cho 1.344 hộ dân cư sinh sống phân tán, không có dụng cụ chứa nước, thành lập 46 điểm cấp nước tập trung. Đối với gần 1.000 hộ dân sống gần công trình cấp nước tập trung nhưng chưa tiếp cận được nước thì sẽ kéo dài đường ống khoảng 83,5km để người dân có nước sử dụng.
Lãnh đạo huyện Trần Văn Thời đã chỉ đạo các nơi bị ảnh hưởng nhiều bởi sạt lở, sụp lún đất cần chủ động khắc phục nhanh sự cố để người dân được đi lại dễ dàng hơn. Các tổ chức đoàn thể và người dân vùng ngọt ở Cà Mau những ngày này cũng đang tích cực khắc phục trước các điểm sạt lở nhỏ, các điểm sạt lở làm chia cắt các tuyến đường để người dân đi lại tạm thời.
Nguồn: Tuổi trẻ
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9