(HTV) - Theo thống kê, hiện có khoảng 7 triệu người Việt Nam đang sinh sống tại nước ngoài, trong đó chỉ riêng Mỹ có hơn 3 triệu người Việt, nhu cầu sử dụng thực phẩm truyền thống của cộng đồng kiều bào tại nước ngoài ngày càng tăng.
Cơ hội vàng trong giai đoạn khó khăn
Trong giai đoạn xuất khẩu nói chung gặp nhiều khó khăn do nhu cầu của thị trường thế giới giảm sâu, phát triển sản xuất thực phẩm truyền thống được xem là cơ hội cho các startup Việt mở rộng xuất khẩu.
Khởi nghiệp từ sản phẩm truyền thống của địa phương là bánh tráng Củ Chi, đến nay, trung bình mỗi ngày, Duy Anh Foods sản xuất ra khoảng 25 tấn sản phẩm từ gạo để xuất khẩu. Tính từ năm 2013 đến nay, đơn vị đã xuất khẩu sản phẩm tới 48 quốc gia, chủ yếu là Châu Âu và Nhật Bản hơn 60 mặt hàng. Cho thấy tín hiệu tích cực là người tiêu dùng trên thế giới ngày càng ưa chuộng sản phẩm đến từ Việt Nam.
Trung bình mỗi ngày, Duy Anh Foods sản xuất ra khoảng 25 tấn sản phẩm từ gạo để xuất khẩu
Là một startup mới, tháng 6 vừa qua, Cà Mèn đã ký kết để đưa sản phẩm cháo bột cá lóc xuất khẩu sang Mỹ. Sau 5 tháng, đã xuất khẩu được 150.000 gói, đạt doanh thu gần 5 tỷ đồng. Thông qua xuất khẩu chính ngạch, đơn vị đã có cơ hội kết nối với các nhà nhập khẩu từ Canada, Úc, Singapore…
Trong vòng 5 tháng, startup Cà Mèn đã xuất khẩu 150.000 gói sản phẩm, đạt doanh thu gần 5 tỷ đồng
Vẫn còn nhiều hạn chế bên cạnh những tín hiệu tích cực
Tuy nhiên, theo bà Jolie Nguyễn, Chủ tịch LNS International Corporation, đơn vị phân phối sản phẩm Việt sang thị trường Mỹ, sản phẩm Việt khi xuất khẩu còn gặp rất nhiều hạn chế cần cải thiện, như các sản phẩm Việt phải cạnh tranh với sản phẩm của nhiều quốc gia khác, đặc biệt là các quốc gia được Mỹ bảo hộ.Do đó, doanh nghiệp cần phải đầu tư máy móc, nhà xưởng và luôn luôn học hỏi để phát triển chất lượng sản phẩm, nâng cấp bao bì và thông tin sản phẩm phải cụ thể, chi tiết hơn "Cơ hội là chúng ta có những sản phẩm vùng miền đặc trưng mà những nơi khác không có, hơn nữa thị trường Mỹ không quan trọng đối tác là doanh nghiệp lớn hay nhỏ, chỉ cần chúng ta tuân thủ theo đúng quy định, vậy nên cơ hội cho các startup là rất lớn."
Nhận định về cơ hội của các startup thực phẩm Việt, chuyên gia kinh tế cho rằng, bước sang năm 2024, những phản ứng chính sách của Việt Nam sẽ tập trung vào vấn đề xuất khẩu. Bên cạnh đó, tình hình sản xuất các sản phẩm nông nghiệp đang có nhiều tín hiệu tích cực. Điều này sẽ tạo cơ hội cho xuất khẩu thực phẩm phát triển.
Tình hình sản xuất các sản phẩm nông nghiệp đang có nhiều tín hiệu tích cực
Các doanh nghiệp startup thực phẩm xuất khẩu cũng kỳ vọng thời gian tới sẽ có cơ chế chính sách riêng về vốn và ưu đãi về thuế để tạo thêm điều kiện để doanh nghiệp vượt qua thách thức vươn ra biển lớn.