Những “từ khóa” nào cho doanh nghiệp nửa cuối năm?

NGỌC QUÍ - THIỆN TÙNG - HỒNG DIỄM - QUỐC SỬ - THÁI PHƯƠNG - TRẦN HÙNG - HỒ ĐỨC - TẤN LỘC - THU HẢI - MẠNH TRÌNH - TRỌNG THỨC // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 12/6/2023, 14:52

Kỳ vọng phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp vẫn còn chật vật và vướng mắc. Nửa cuối năm 2023, doanh nghiệp và Nhà nước cần chuẩn bị để giải quyết những vấn đề trước mắt, từ đó thúc đẩy quá trình sản xuất, phát triển.

Trong đó, mở đầu bằng một từ khóa đang hiện hữu: Khó khăn.

Thực tế cho thấy, khi 5 tháng đầu năm nay, số doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động trên cả nước chỉ đạt con số 95.000, giảm 3,7% so với cùng kỳ, còn số doanh nghiệp rút khỏi thị trường là 88.000, tăng đến 22,6%. Ngay tại TP.HCM - đầu tàu kinh tế của cả nước, doanh nghiệp có vốn đăng ký mới cũng giảm đến hơn 21% so với cùng kỳ.

Dù những con số này không thể đánh giá toàn diện cho nền kinh tế, nhưng đây là một trong số những minh chứng cho thấy những khó khăn thực tại từ bức tranh kinh tế trong và ngoài nước đã tác động lên niềm tin và sự hào hứng của doanh nghiệp, cũng như sức hút của thị trường. Trước khó khăn ấy, doanh nghiệp Việt Nam đã và đang tìm đối sách để tự tìm hướng đi cho chính mình, trước tiên, là để tồn tại.

Với Công ty TNHH Dù Hồng Đức, thị trường xuất khẩu và cả tiêu dùng trong nước đều giảm mạnh từ đầu năm đến nay đã tác động rõ rệt lên doanh thu của doanh nghiệp. Song, như nhiều doanh nghiệp khác, nhận định đây là khó khăn chung của kinh tế toàn cầu, vẫn nỗ lực duy trì hoạt động của doanh nghiệp với tiêu chí giảm thiểu tối đa chi phí sản xuất, vận hành và đẩy mạnh tìm kiếm thị trường nội địa.

Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn khi tổng kim ngạch xuất khẩu cao gấp 2 lần GDP. Kinh tế toàn cầu ảm đạm đặt kinh tế nước ta vào khó khăn chung là điều dễ hiểu. Niềm tin của doanh nghiệp lung lay trước những rủi ro khó lường. Tuy nhiên, không vì vậy mà mọi nỗ lực vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp dừng lại, nhất là trong lúc này.

Nỗ lực của doanh nghiệp là rõ ràng. Nhưng không thể phủ nhận, trước những khó khăn của doanh nghiệp, "chiếc phao chính sách" đã được Chính phủ và các cơ quan hữu quan tung ra. Trong đó, nổi bật nhất và quan trọng nhất là về nguồn vốn.

Có thể điểm qua, gói hỗ trợ 2% lãi suất trị giá 40.000 tỷ đồng hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định 31 của Chính phủ. Gói 120.000 tỷ đồng của 4 Ngân hàng thương mại Nhà nước cho phát triển nhà ở xã hội, nhà dành cho người thu nhập thấp. Nếu như 2 gói tín dụng này đòi hỏi những yêu cầu nhất định, thì chính sách hỗ trợ trực tiếp đến doanh nghiệp được đánh giá rất cao là Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng khó khăn.

Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, đi ngược lại xu hướng tăng lãi suất của thế giới, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần giảm lãi suất điều hành với tổng mức giảm là 0,5 - 1,5%/năm tùy loại, qua đó khiến cho mặt bằng lãi suất huy động được điều chỉnh giảm, tạo cơ sở giảm lãi suất cho vay. Nhiều chương trình "cấp cứu" sát sườn với khó khăn của doanh nghiệp, song đến nay hiệu quả vẫn chưa thể đạt được như kỳ vọng.

Từ cuối năm 2022 đến nay, các công ty thuộc Tập đoàn Thiên Long đã tiếp cận và được hỗ trợ lãi suất 2%/năm cho các khoản vay trung và ngắn hạn. Hiện lãi suất cho vay mới bình quân tại TP.HCM ở mức 9,07%, giảm 0,9% so với cuối năm 2022. Sau khi huy động lãi suất cao cuối năm ngoái và đầu năm nay, các ngân hàng cần thêm từ một đến một vài quý để có thể trung hòa giá vốn, qua đó có thể hạ lãi suất cho vay ra thị trường.

Từ khóa "chiếc phao chính sách" chắc chắn sẽ cứu được nhiều doanh nghiệp không rơi vào tình trạng kiệt sức giữa dòng. Bởi khó khăn hiện nay không chỉ bao trùm lên riêng bức tranh kinh tế Việt Nam. Tình trạng phức tạp và nhiều nhân tố khó dự báo của nền kinh tế toàn cầu khiến nhiều tổ chức quốc tế phải hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2023.

Đây là mức tăng trưởng thấp thứ ba trong vòng 30 năm qua, chỉ nhỉnh hơn so với mức tăng trưởng giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu trong các năm 2008 - 2009 và giai đoạn đại dịch COVID-19. Mỗi nền kinh tế đều phải tính đến hướng đi riêng cho mình, cũng là những gợi ý mà kinh tế Việt Nam có thể tham khảo.

Cuộc khủng hoảng năng lượng đang giáng đòn lên các công ty vừa và nhỏ, vốn là xương sống của nền kinh tế châu Âu.

Để giảm bớt tác động, Ủy ban châu Âu vừa thông báo nới lỏng các quy định về viện trợ nhà nước. Các doanh nghiệp EU có thể nhận được khoản hỗ trợ của nhà nước lên tới 4 triệu euro dưới hình thức các khoản vay, ưu đãi về thuế, bảo lãnh...

Ngoài ra, doanh nghiệp hoạt động trong những lĩnh vực sử dụng nhiều năng lượng như khai thác mỏ, sản xuất thép có thể được hỗ trợ từ 100 triệu đến 150 triệu euro. EC nhấn mạnh, những điều chỉnh nêu trên sẽ giúp các nước thành viên linh hoạt hơn trong triển khai chương trình hỗ trợ phù hợp nhu cầu thực tế.

Trung Quốc tuyên bố sẽ giảm thuế lên tới 255 tỷ USD trong năm nay. Trong đó trong quý I, hơn 50 tỷ USD tiền thuế và phí hoãn lại đã được hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất cỡ siêu nhỏ, nhỏ; lập "danh sách trắng" để hỗ trợ nối lại công việc cho các công ty chủ chốt trong chuỗi công nghiệp, giảm thiểu tác động đối với chuỗi cung ứng.

Để hỗ trợ cho cả doanh nghiệp và người lao động vượt qua khó khăn lạm phát, Nhật Bản đã phát động một chiến dịch: Giảm thuế và trợ cấp để khuyến khích doanh nghiệp tăng lương. Theo đó doanh nghiệp vừa và nhỏ được giảm thuế thu nhập đến 40%, tăng 15% so với trước đây, nếu họ tăng tổng tiền chi trả lương từ 2,5% trở lên, và chi tiêu nhiều hơn cho hoạt động đào tạo.

Ngoài ra, chính phủ đã dành khoản ngân sách 1.000 tỷ yen, cho hoạt động đào tạo lại kỹ năng, giúp người lao động trang bị các kỹ năng mới để có thể chuyển sang công việc được trả lương cao hơn.

Hồi tháng 3, Hàn Quốc thông báo sẽ mở rộng gói tài chính lên tới 364 ngàn tỷ won, tức hơn 275 tỷ USD, tăng 2.000 tỷ won so với mục tiêu trước đó cho năm 2023, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa.

Một số ngành trong đó có ngành ô tô thân thiện với môi trường cũng được xem xét cấp thêm ưu đãi thuế để đẩy mạnh tốc độ đầu tư vào công nghệ tự hành và hydro. Hàn Quốc đã đặt mục tiêu xuất khẩu 685 tỷ USD trong năm 2023.

 Chính phủ Singapore đã công bố ngân sách quốc gia năm 2023. Trước những thách thức về chi phí gia tăng đang đặt ra, chính phủ sẽ chú trọng hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), qua một danh mục mới gọi là Tender Lite.

Theo đó, danh mục này sẽ cho phép 70% trong số tất cả các gói thầu của chính phủ được trao cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, với các điều kiện đấu thầu được giảm tải và đơn giản hóa.

Chee Hong Tat - Quốc vụ khanh Bộ Tài chính Singapore chia sẻ: “Thứ nhất, bằng cách đơn giản hóa các quy tắc và quy trình, chính phủ cho phép các doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và tiền bạc khi họ giao dịch với chính phủ. Thứ hai, bằng cách giúp các doanh nghiệp xây dựng năng lực, họ có thể nâng cao khả năng cạnh tranh và tiếp cận các cơ hội mới, cả trong và ngoài nước”.

Đã là thương trường, khó khăn là tất yếu. Tuy nhiên, sức khỏe của doanh nghiệp chính là yếu tố quan trọng, vừa phản ánh, vừa nuôi dưỡng nền kinh tế. Doanh nghiệp khỏe thì nền kinh tế mới có được nền tảng tăng trưởng.

Mục tiêu tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay là 6,5%, của riêng TP.HCM là 7,5 - 8%.

Trước những lo ngại và tinh thần kinh doanh đi xuống vì rủi ro kinh tế toàn cầu hiện hữu, cộng đồng doanh nghiệp thật sự đang trông đợi gì vào những giải pháp mang tính khả thi hơn trong tương lai gần?

Chuyên thiết kế, thi công nội thất văn phòng cho các nhà đầu tư nước ngoài, Công ty cổ phần Unity Architects đang đối mặt với nhiều thách thức về thuế, phí tăng cao. Ở đầu ra, các đối tác đòi hỏi giá dịch vụ rẻ hơn nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng thiết kế đầy tính sáng tạo. Còn ở đầu vào, bên cạnh chi phí nguyên vật liệu, lương cho nhân viên đã tăng do lạm phát, một số khoản thuế cũng ở mức cao, nhất là thuế cho nhà thầu nước ngoài làm thiết kế để doanh nghiệp trong nước triển khai thi công hiện đã lên đến 11%.

Bà Nguyễn Huỳnh Phương Thảo - Giám đốc tư vấn thuế Công ty Nexia STT chia sẻ: "Việc giảm thuế của chúng ta hiện nay vẫn nằm trong một số chính sách chung của các quốc gia nếu có những chính sách thu hút về đầu tư, thu hút về phát triển. Vì vậy phải đưa ra được những điều kiện, doanh nghiệp nào phát triển khoa học công nghệ, đầu tư vào các khu công nghệ cao, hoặc những nhân sự nào được coi là những nhà khoa học, những người đóng góp hoặc tài năng làm việc trong các khu công nghệ cao, đạt những tiêu chuẩn nào thì được miễn giảm thuế."

Việc miễn giảm thuế phí nếu được triển khai hợp lý, sẽ có tác dụng kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho Ngân sách Nhà nước cũng như nền kinh tế. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đề xuất những chính sách hỗ trợ về đất đai, mặt bằng để có điều kiện mở rộng sản xuất kinh doanh.

Nhanh chóng hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối các khu công nghiệp, tiếp tục cải cách hành chính, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cũng là những điều quan trọng mà TP.HCM cần tiếp tục quan tâm. Với sự đồng bộ của cả hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, lợi thế đầu tàu sẽ được phát huy tối đa, tạo thêm động lực cho tăng trưởng của Thành phố.

Trước "khó khăn", cần lắm sự "tự nỗ lực" của doanh nghiệp và những "chiếc phao chính sách" khả dụng. Đó là vài từ khóa, dù không mới, nhưng rất mong được lưu tâm trong bối cảnh khó đoán định hiện nay của diễn biến địa chính trị và kinh tế toàn cầu.

"Muốn đi xa phải đi cùng nhau" - tinh thần này chắc chắn cần được thông suốt từ chính các nhà điều hành, các cơ quan hoạch định chính sách, thực thi pháp luật đến bản thân mỗi doanh nghiệp, để cùng nhau vượt khó và tạo sức bật cho nền kinh tế.

>>> Xin mời quý vị đón xem Chương trình 60 giây, Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: