NSƯT Phi Điểu: Ký ức về Sài Gòn - TP.HCM, cả hai lần là sự tự do

Thanh Nhàn 21/12/2020, 16:07

Nhân dịp kỷ niệm 76 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2020), câu chuyện về một cựu quân nhân đã trải qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ sẽ mang lại nhiều cảm xúc hơn bao giờ hết.

NSƯT Phi Điểu cùng MC Thái Minh Châu trong chương trình "Ký ức Sài Gòn - TP.HCM"

NSƯT Phi Điểu sinh tại Campuchia và lớn lên tại Đồng Tháp trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Chính vì vậy, bà cũng theo cha hoạt động cách mạng từ rất sớm. Năm 1952, bà bị bắt và giam tại Thủ Đức. Khi chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, bà được thả theo diện trao trả tù binh thiếu niên vì lúc đó bà khai dối nhỏ hơn 2 tuổi. Kỷ niệm đầu tiên của bà về Sài Gòn lúc đó chính là cảm giác tự do khi thoát khỏi sự giam cầm, tra tấn của địch.

Ra khỏi nhà lao, bà được tin má và mấy anh em đã dọn về khu Vườn Chuối để tránh sự lùng sục của địch, còn ba và em út đã ra Bắc tập kết. Bà cũng nối gót cha tập kết ra Bắc, ban đầu chỉ là đi 2 năm nhưng không ngờ là chuyến đi này kéo dài đến 21 năm. Đó cũng là lần cuối cùng bà được gặp má...

Ra Bắc ít lâu, bà về đoàn Cải lương Nam Bộ công tác. Vừa múa, hát, diễn kịch, hát cải lương, thậm chí làm luôn cả xiếc. Ở đâu cần, đoàn đi tới đó, dù chỉ có một người lính, đoàn cũng hát. Những câu chuyện về các chuyến đi phục vụ bộ đội được bà kể lại trong chương trình "Ký ức Sài Gòn - TP.HCM" với sự xúc động xen lẫn tự hào. Đó là những chuyến đi lội bộ mấy chục cây số xuyên rừng, bom đạn rực sáng cả trời. 

Có những lúc cả đoàn kiệt sức, đến nỗi phải tháo bỏ những cái nút áo trên cánh tay cho bớt nặng, vậy mà bà và đồng đội vẫn cứ đi, năm này qua tháng khác. Tiếng cười réo rắt theo mỗi dặm đường. Những chuyến đi mải miết gối lên nhau như sóng cuộn bờ…

Chuyện tình và cuộc hôn nhân viên mãn của NSƯT Phi Điểu và nhạc sĩ Phan Nhân đã tạo sự ngưỡng mộ cho đông đảo công chúng (Ảnh: Người lao động)

Cũng trong thời gian này, bà gặp gỡ và nên duyên cùng nhạc sĩ Phan Nhân. Câu chuyện về tình yêu, lễ cưới của bà và nhạc sĩ Phan Nhân với thực đơn chỉ toàn là nước vối, hạt dưa và kẹo cũng sẽ được bà chia sẻ lại trong chương trình.

Cũng trong thời gian ở Bắc, Đài Tiếng nói Việt Nam cần giọng Phát thanh viên miền Nam, bà đăng ký và bén duyên với nghề phát thanh viên. Và kỷ niệm mà bà nhớ nhất đó chính là lần bà phải đọc bản tin thông báo về việc Bác qua đời. Dù đau lòng nhưng bà vẫn cố gắng kìm nén để hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Năm 1975, khi đất nước được giải phóng, bà và nhạc sĩ Phan Nhân trở về TP.HCM sinh sống. Đó cũng ký ức thứ hai trong đời của bà về Sài Gòn – TP.HCM. Nếu như lần đầu tiên, đó là niềm vui tự do của cá nhân bà, thì lần thứ hai về Sài Gòn lại là "niềm hạnh phúc vô bờ bến vì đất nước được giải phóng hoàn toàn, hàng triệu người Việt Nam được tự do".

NSƯT Phi Điểu trên sân khấu ca nhạc (Ảnh: Thể thao và Văn hóa)

Về TP.HCM, bà tiếp tục công tác tại Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM và được khán giả yêu mến qua chương trình Đọc truyện đêm khuya. Năm 1991, bà nghỉ hưu nhưng vẫn tích cực gầy dựng phong trào ca hát ở khu phố. Nhờ kinh nghiệm của những năm đi diễn ở rừng, vở bà dựng được giải, ra tới cấp thành phố. Nhiều đồng đội, bạn bè xưa nhận ra. Tiếng lành đồn xa, bà bén duyên phim ảnh từ đó. Vai diễn đầu tiên bà đóng là mẹ của nhân vật Thanh trong Blouse trắng của đạo diễn Trần Mỹ Hà. Sau bộ phim này, bà liên tiếp được mời vào nhiều bộ phim, chương trình, MV ca nhạc cho các ca sĩ…

Ở tuổi 89, bà vẫn không có ý định nghỉ ngơi. Bà nói, cả cuộc đời bà chưa có một ngày dừng lại như cái tên của mình: Phi Điểu. Được làm việc, được cống hiến cho đất nước, cho xã hội, với bà là một niềm hạnh phúc…

Sẽ còn nhiều câu chuyện thú vị về mảnh đất TP.HCM thân thương cùng sự tham gia của các vị khách mời đặc biệt trong "Ký ức Sài Gòn - TP.HCM". Chương trình được phát sóng vào 10g chủ nhật hàng tuần trên kênh HTV7.


Ý kiến của bạn: