(HTV) - Các nhà nghiên cứu ở Hàn Quốc cho biết họ đã nuôi cấy thành công tế bào thịt bò trong hạt gạo tại phòng thí nghiệm, nhằm tìm nguồn protein thay thế thịt từ gia súc trong tương lai.
Theo Giáo sư Hong Jinkee của trường Đại học Yonsei - Người đứng đầu công trình nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học Matter, "Gạo thịt bò" là loại gạo đầu tiên sử dụng hạt ngũ cốc làm cơ sở nuôi cấy tế bào cơ và mỡ động vật.
Cơm lai thịt bò, được chế biến từ cơ bò và tế gào gốc mỡ, nghiên cứu của Đại học Yonsei, Hàn Quốc. Nguồn ảnh: Reuters
Những hạt gạo được xử lý bằng enzyme để tạo môi trường tối ưu để tế bào phát triển. Sau đó, tế bào thịt bò sẽ được cấy vào môi trường này nhằm tạo ra sản phẩm lai, có hình dạng hạt gạo nhưng lại có màu hơi hồng.
Nhóm nghiên cứu tuyên bố rằng nếu được thương mại hóa, loại “gạo thịt bò” này có thể cung cấp "nguồn protein thay thế bền vững với giá cả phải chăng và thân thiện với môi trường.
Cũng theo giáo sư Hong Jinkee, “hạt gạo thành quả sẽ có sự phân bố đồng đều cả tế bào cơ và mỡ khắp cơ thể, trên bề mặt và bên trong.
Nghiên cứu này sẽ mở đường cho sự phát triển các nguồn thực phẩm khác trong tương lai."
Giáo sư Hong Jinkee và bát cơm dùng ‘gạo thịt bò’ tại Đại học Yonsei, Hàn Quốc. Nguồn ảnh: Reuters
Trong quá trình nghiên cứu, nhóm các nhà khoa học đã phát triển thịt nuôi cấy từ tế bào bằng cách mô phỏng môi trường tế bào bằng gạo.
Cụ thể, do hạt gạo xốp và có cấu trúc có tổ chức nên người ta nhận thấy chúng cung cấp một "khung vững chắc" để chứa các tế bào có nguồn gốc từ động vật. Ngoài ra, trong gạo còn có một số phân tử khác có khả năng nuôi dưỡng và thúc đẩy sự phát triển của các tế bào thịt này. Do đó, các nhà nghiên cứu cho rằng gạo là một nền tảng lý tưởng cho việc nghiên cứu.
“Gạo thịt bò” có chứa lượng protein nhiều hơn khoảng 8% và lượng chất béo hơn khoảng 7% so với gạo thông thường.
Gạo thịt bò” hứa hẹn có thể giảm hoạt động chăn nuôi và lượng khí thải carbon thải ra môi trường. Nguồn ảnh: Reuters
Theo Sohyeon Park, tác giả đầu tiên của nghiên cứu, con người thường thu được lượng protein cần thiết từ chăn nuôi, nhưng hoạt động chăn nuôi tiêu tốn rất nhiều tài nguyên, nước và thải ra nhiều khí nhà kính." Trong khi đó, sản phẩm gạo lai này có "lượng khí thải carbon nhỏ hơn đáng kể với mức giá chỉ bằng một phần nhỏ".
Trên thực tế, cứ 100 gam protein được sản xuất, lúa lai ước tính thải ra ít hơn 6,27 kg CO2, trong khi thịt bò thải ra 49,89 kg.
Nhóm các nhà nghiên cứu dự đoán loại lúa lai có thể có giá khoảng 2,23 USD/kg, trong khi thịt bò có giá 14,88 USD/kg. Sản phẩm này được xem là một lựa chọn hấp dẫn có khả năng cạnh tranh với các sản phẩm thịt bò truyền thống. Tuy nhiên, một số khách hàng cho rằng việc ăn “gạo thịt bò” sẽ không mang lại hương thơm và kết cấu như khi ăn thịt bò thật.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9