Quốc hội thảo luận công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022

HOÀNG HƯƠNG - NGỌC TUẤN // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 1/6/2023, 19:35

(HTV) - Chiều 1/6, Quốc hội làm việc tại Hội trường, thảo luận về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022.

Ghi nhận những chuyển biến tích cực trong công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí, song một số đại biểu cũng chỉ rõ: Tình trạng lãng phí vẫn còn diễn ra ở nhiều mức độ khác nhau.

Quốc hội thảo luận về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022

Đại biểu Đào Hồng Vận, Đoàn Đại biểu Quốc hội Tỉnh Hưng Yên lưu ý rằng nhiều dự án đang được hoàn thành về mặt đầu tư, nhưng không thể đưa vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, gây thiệt hại lớn cho người dân và doanh nghiệp, lãng phí cho xã hội và làm giảm niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ông cho rằng vấn đề không chỉ liên quan đến lãng phí về mặt vật chất và tài chính mà nguy hiểm hơn là lãng phí về niềm tin, ví dụ như các dự án điện tái tạo và một số dự án khác.

Đại biểu Nguyễn Văn Thân, Đoàn Đại biểu Quốc hội Tỉnh Thái Bình nhận định, hiện nay còn tồn tại nhiều lãng phí, chẳng hạn như chậm giải quyết xử lý trong 12 dự án đắp chiếu hoặc ngân sách nhà nước bị tồn dư và tiền không được sử dụng, trong khi doanh nghiệp thiếu tiền và nhiều dự án đầu tư công cũng đang thiếu vốn. Ông cho rằng cần có giải thích và làm rõ những vấn đề này. Đồng thời, cần phải sử dụng nguồn ngân sách tồn dư trên cơ sở cân đối của Chính phủ, thay vì để tiền trong Kho bạc Nhà nước và không sử dụng.

Đại biểu Nguyễn Văn Thân, Đoàn Đại biểu Quốc hội Tỉnh Thái Bình

Các đại biểu đã góp ý về việc quyết toán ngân sách nhà nước, cho rằng cần đánh giá lại quá trình quyết toán ngân sách để rút ra bài học kinh nghiệm, đặc biệt là liên quan đến những vấn đề tồn đọng kéo dài trong nhiều năm. Theo báo cáo của Chính phủ, đã có những vấn đề như chậm giao dự toán, bổ sung điều chỉnh vốn nhiều lần, công tác chuẩn bị đầu tư không đảm bảo đúng thủ tục đầu tư theo quy định pháp luật và tạo ra nợ đọng xây dựng cơ bản lớn.

Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội đề nghị kiểm tra lại kỹ số liệu về nợ đọng xây dựng cơ bản, phân tích nguyên nhân dẫn đến phát sinh số nợ đọng lớn và có phương án xử lý cũng như làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương khi vi phạm các quy định trong Luật Đầu tư công.

Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội

Trong phiên thảo luận, một số đại biểu đề nghị Quốc hội ban hành nghị quyết để phân bổ khoản thu và nhiệm vụ chi của ngân sách Trung ương và địa phương một cách linh hoạt hơn, cho phép bố trí ngân sách Trung ương vào các khoản chi thuộc ngân sách địa phương khi cần thiết. Đây được coi là một giải pháp để đẩy mạnh quá trình giải ngân vốn đầu tư công.

>>> Xin mời quý vị đón xem Chương trình Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

Ý kiến của bạn: