Quốc hội thảo luận tại tổ về Kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước

HOÀNG HƯƠNG - NGỌC TUẤN // VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN HTV TẠI HÀ NỘI 25/5/2023, 15:47

Sáng ngày 25/5, Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về tình hình kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022, những tháng đầu năm 2023, công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí năm 2022 và một số nội dung khác.

Thảo luận tại tổ, đa số đại biểu thống nhất với tờ trình của Chính phủ, đồng thời đề nghị cần thực hiện quyết liệt các giải pháp cho mục tiêu đề ra, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao đời sống của người dân. 

Sáng ngày 25/5, Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về tình hình kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước

Cụ thể, các đại biểu cho rằng, kinh tế Việt Nam trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 đã đạt được những kết quả tích cực, điều đó thể hiện sự nỗ lực của Chính phủ trong việc ứng biến kịp thời với tình hình thế giới để có những quyết sách kịp thời, hợp lý. Kinh tế vĩ mô được ổn định, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu kế hoạch. 

Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra những thách thức của nền kinh tế khi xuất khẩu suy giảm, nhiều doanh nghiệp bị cắt đơn hàng, ảnh hưởng trực tiếp đến các vấn đề an sinh xã hội, việc làm cho người lao động. Dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng thực tế doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong huy động tiếp cận vốn, chi phí sản xuất kinh doanh tăng. 

Các đại biểu cho rằng, kinh tế Việt Nam trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 đã đạt được những kết quả tích cực

Cùng với các giải pháp cấp bách, đại biểu đề nghị chính phủ cũng cần chú trọng đề ra những giải pháp lâu dài, trong đó nhấn mạnh việc đa dạng hóa thị trường, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để doanh nghiệp có thể vượt sóng sau dịch, tăng sức mạnh nội tại của nền kinh tế. 

Chú trọng đa dạng hóa thị trường, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Nhấn mạnh việc giải ngân vốn đầu tư công và triển khai thực hiện một số chính sách thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia chưa đạt yêu cầu. Các đại biểu thẳng thắn chỉ ra một trong những nguyên nhân dẫn đến việc triển khai còn chậm là do thủ tục còn rườm rà, chưa đáp ứng được nhu cầu Phục hồi và phát triển sau đại dịch. Đại biểu đề nghị không thể áp dụng các bước thực hiện như trong điều kiện thông thường mà cần phải nhanh gọn và cấp bách để đảm bảo tính kịp thời và hiệu quả. 

Việc giải ngân chậm vốn đầu tư công cũng cần phải được làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương; bổ sung chỉ tiêu giải ngân vốn đầu tư công vào chương trình giám sát của Quốc hội, để kích cầu trong nước dựa trên nguồn lực có sẵn. 

Bổ sung chỉ tiêu giải ngân vốn đầu tư công vào chương trình giám sát của Quốc hội, để kích cầu trong nước 

Cũng trong phiên thảo luận tổ sáng nay các đại biểu đã cho ý kiến góp ý về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022. Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của chương trình mục tiêu quốc gia và một số nội dung khác.

 

Ý kiến của bạn: